16 Th11 Ảnh hưởng của việc chuyển đổi từ sử dụng điện than sang điện khí đốt tới ngành công nghiệp giấy và bột giấy Trung Quốc
Theo thông tin công bố của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học (NCBI), than là nhiên liệu thiết yếu, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Trong năm 2018, tiêu thụ của nước này chiếm 50% sản lượng than toàn cầu và nhập khẩu chiếm 20% lượng than được bán ra trên toàn thế giới.
Trung Quốc cũng là nhà cung cấp tài chính quốc tế lớn giúp xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Theo báo cáo của NCBI, năm 2018, than chiếm 60% mức tiêu thụ năng lượng chính của Trung Quốc, tạo ra 50% chất ô nhiễm dạng hạt bụi mịn (PM2.5) và 70% lượng khí thải carbon.
Trung Quốc đang tiến hành chính sách quốc gia dài hạn nhằm giải quyết các vấn đề “khói bụi”, giảm phát thải các chất ô nhiễm có hại cho môi trường, thúc đẩy tối ưu hóa các hệ thống năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng sạch và ít carbon hơn.
Chính sách bao gồm việc loại bỏ và thay thế các nồi hơi đốt than và sinh khối lạc hậu bằng các nồi hơi sạch, đốt bằng khí.
Do đó, các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động mới về năng lượng.
Khu vực phía Bắc tập trung vào sản xuất điện cho công nghiệp và điện sưởi ấm dân dụng (heating), trong khi khu vực phía Nam chỉ chủ yếu tập trung vào sản xuất điện công nghiệp.
Theo một thông báo mới đây từ Cục Bảo vệ Môi trường tại Dongguan, Trung Quốc, thành phố này đang xúc tiến trên quy mô lớn chuyển đổi từ điện than sang điện khí đốt. Để hỗ trợ cho sự thay đổi, thành phố đã khởi xướng việc xây dựng 17 nhà máy điện mới và đóng cửa 12 lò hơi đốt than và sinh khối.
Sự phụ thuộc của ngành công nghiệp giấy và bột giấy của Trung Quốc vào nhiên liệu than
Theo dữ liệu của Fisher, ngành công nghiệp giấy và bột giấy của Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhiên liệu than, không giống như châu Âu và Mỹ, vốn chủ yếu dựa vào năng lượng sạch hơn như khí đốt tự nhiên.
Hiện nay, hơn 380 nhà máy giấy và bột giấy sử dụng than làm nguồn nhiên liệu chính. Trong số đó, số nhà máy giấy và bột giấy ở Hà Bắc, Quảng Đông, Sơn Đông, Chiết Giang và Quảng Tây chiếm khoảng 50% số nhà máy sử dụng than tại Trung Quốc.
Theo “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 14 (2021-2025), các lò hơi trong các nhà máy có thể được xây dựng lại hoàn toàn hoặc loại bỏ hoàn toàn.
Kế hoạch chủ yếu sẽ giảm lượng cacbon trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như điện, xi măng, thép, giao thông, xây dựng và sản xuất thịt, và tăng độ che phủ rừng và phát triển thị trường mua bán phát thải cacbon.
Đối với nhiều nhà máy giấy và bột giấy ở Đông Quan, việc tăng chi phí nhiên liệu do chuyển đổi từ than sang khí đốt có thể là một thách thức trong ngắn hạn. Xét về chi phí nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm, sử dụng khí đốt cao hơn gấp đôi so với than đá.
Ở Đông Quan, khí đốt tự nhiên có giá 2,06 NDT/m3 (có thể chênh lệch 20%) cộng thêm giá vận chuyển là 0,35-2,2 NDT/m3, khiến giá khí đốt khi giao tại các nhà máy sẽ rơi vào khoảng 2,41-4,2 NDT/m3.
Ví dụ, theo số liệu của Fisher, chi phí nhiên liệu trung bình của một nhà sản xuất giấy bao bì tại Trung Quốc sử dụng nhiệt điện than là khoảng 300-400 NDT/tấn sản phẩm. Nhưng khi thay thế bằng khí đốt, chi phí sản xuất giấy có thể tăng thêm tới 300-400 NDT/tấn. Điều này sẽ tạo thêm áp lực to lớn về chi phí mà nhiều nhà sản xuất nhỏ không thể giải quyết được.
Dữ liệu của Fisher cũng cho biết việc chuyển đổi từ than sang khí đốt ở Đông Quan sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất hơn 14 triệu tấn sản phẩm giấy, trong đó khoảng 70% là giấy bao bì công nghiệp của các công ty giấy như Nine Dragons, Lee&Man và Jianhui.
Sau khi quá trình chuyển đổi từ than sang khí hoàn tất, nếu cán cân cung – cầu không đổi thì thị trường giấy ở phía Nam Trung Quốc có thể chứng kiến sự tăng giá đáng kể do chi phí sản xuất tăng cao./.
Thep VPPA