Lãnh đạo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Lãnh đạo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16.3.2021, tại Trụ sở Chính phủ, Ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội, Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội đã tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tham dự tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 01-8-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mình quản lý. Từ đòi hỏi thực tiễn và trên cơ sở các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ, ngày 19-8-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1642/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với chức năng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng với nhiệm vụ chính là đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành địa phương. Đây là mô hình thiết chế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng lần đầu tiên được thành lập trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau gần 5 năm hoạt động, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 2 cơ quan thuộc Chính phủ; 44 địa phương; 12 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Qua các cuộc kiểm tra, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, đưa ra các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể đi vào cuộc sống. Cùng với đó, nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhiều khoảng trống pháp lý, nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, dư luận quan tâm, bức xúc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan địa phương đã được phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời.

Từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 87 Luật, Nghị định, Thông tư về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế để cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh và 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành có chồng chéo đã được các bộ, ngành có phương án xử lý. Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Ông Nguyễn Việt Đức đã gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng Chính phủ, tới Tổ Công tác và tới Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác đã quan tâm, lắng nghe các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam trong việc đề xuất với Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với các Hiệp hội Ngành nghề khác, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đánh giá rất cao mô hình thiết chế của Tổ Công tác, các ý kiến đề xuất, các văn bản xử lý của Tổ Công tác luôn luôn nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, có ý nghĩa và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cho nền kinh tế Việt Nam.

Việc kiểm tra, xử lý tồn đọng hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu tại cảng vào thời điểm cuối năm 2018 là một trong các sự việc tháo gỡ khó khăn đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Ngành Giấy Việt Nam. Do cùng một lúc phải thực hiện hàng loạt các công văn hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT, trong đó quy định về quy trình kiểm soát nhập khẩu phế liệu chưa phù hợp, chồng chéo đã làm kéo dài thời gian kiểm tra, điều này dẫn tới việc tồn đọng tại cảng hàng trăm nghìn container phế liệu nhập khẩu, đã gây nên khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp ngành giấy, chi phí lưu container tại cảng lên tới hàng ngàn tỷ đồng, không đủ nguyên liệu sản xuất, nhà máy phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa không bảo đảm thực hiện đơn hàng với các đối tác… Tổ trưởng Tổ công tác đã trực tiếp dẫn đoàn khảo sát, kiểm tra tại cảng, họp với các cơ quan quản lý nhà nước và với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng liên quan và đã có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Việc thông quan của các doanh nghiệp đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu được giải tỏa đúng dịp Tết Âm lịch 2019, việc làm này của Tổ Công tác thực sự đã mang lại niềm vui lớn cho ngành giấy, cho các doanh nghiệp của ngành, tạo sự yên tâm, tin tưởng vào sự điều hành quyết liệt và chỉ đạo của Chính phủ, của Tổ công tác với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường) cũng là sự kiện tiêu biểu mà Tổ Công tác đã thực hiện đối với các Doanh nghiệp Ngành Giấy. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã gây nên nhiều khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, cùng với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, các doanh nghiệp ngành giấy còn gặp phải những khó khăn trong việc thực hiện một số quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Dưới sự chủ trì của Tổ trưởng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp với các Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, để chỉ đạo, phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các Hiệp hội, doanh nghiệp. Bằng Nghị quyết số 129/NQ-CP, ngày 11/9/2020 của Chính phủ, Tổ Công tác đã kịp thời đề xuất và kiến nghị với Chính phủ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của cộng đồng các doanh nghiệp nói chung và Ngành Giấy nói riêng trong việc thực hiện Nghị định 40/2019/NĐ-CP như : Gia hạn Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định, không phải lập lại ĐTM đã phê duyệt; Gia hạn thời gian lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải khí thải tự động liên tục…

Đại diện các Bộ, Ngành tham dự Hội nghị tại Hội trường Trụ sở Chính phủ.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đánh giá rất cao hoạt động của Tổ Công tác, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời duy trì được tuân thủ các quy định của pháp luật, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI).

Từ những kết quả to lớn mà Tổ Công tác mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và mong muốn Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác trong giai đoạn tới, tiếp tục quan tâm tới các hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả trong việc thực hiện chính sách, quy định quản lý, cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, thúc đẩy kinh tế – xã hội Việt Nam phát triển hơn nữa./.

Theo VPPA



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons