23 Th8 Hiệp hội tiếp tục kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 20/8/2021, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tiếp tục có những kiến nghị tới Văn phòng Chính Phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, VCCI về việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành trong bối cảnh dịch covid-19 đang bùng phát căng thẳng, phức tạp và nguy hiểm.
Trong đó, hai nội dung đã được Hiệp hội tiếp tục kiến nghị:
Tiếp tục gia hạn thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục quy định tại khoản 20 và Khoản 23 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2022 (thay vì ngày 31/12/2021);
Tiếp tục gia hạn đến hết ngày 31/12/2022 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, như nội dung Mục 14 của Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020;
Giảm giá điện 10% cho các doanh nghiệp Ngành giấy từ tháng 8/2021 đến hết tháng 12/2021 và kéo dài thêm đến hết tháng 6/2022 nếu dịch vẫn còn tiếp diễn;
Giảm mức đóng phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% và cho phép sử dụng bù vào quỹ lương chi trả cho người lao động;
Giảm 50% chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và xin giãn thời gian nộp từ 6 – 12 tháng;
Giảm 50% tất cả các loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thu nhập cá nhân cho người lao động, thuế khác đồng thời xin giãn thời gian nộp từ 6 – 12 tháng;
Giãn thời gian trả nợ vay đến hạn cho doanh nghiệp từ 6-12 tháng, giảm 30% lãi suất vay so với lãi suất theo quy định thông thường đối với các khoản đã vay và khoản vay mới;
Khẩn cấp tổ chức cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành giấy được tiêm vắc xin sớm nhất và nhanh nhất có thể;
Cho phép doanh nghiệp chủ động đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất an toàn trong mùa dịch và đăng ký thực hiện với chính quyền địa phương sở tại, thay vì áp dụng cứng nhắc các biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường”, “2 địa điểm”;
Sản phẩm giấy các loại, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của ngành giấy cần được xem là hàng hóa thiết yếu, được đưa vào “luồng xanh” để vận chuyển, lưu thông. Thống nhất các quy định vận chuyển giữa các địa phương, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa;
Tạm dừng thực hiện việc thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; và điều chỉnh giảm các mức phí đang áp dụng đối với các doanh nghiệp Ngành Giấy./.
Công văn số 24/2021/CV-VPPA v/v tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Ngành Giấy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xem tại đây
Công văn số 23/2021/CV-VPPA v/v kiến nghị cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 xem tại đây
Theo VPPA