Hiệp hội Giấy kiến nghị ‘không tăng kịch trần giá nước sản xuất’

Hiệp hội Giấy kiến nghị ‘không tăng kịch trần giá nước sản xuất’

Để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau dịch, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam kiến nghị các địa phương xem xét lại quyết định tăng giá nước sạch cho sản xuất.

TP HCM đã tăng giá nước từ đầu năm nay, với mức giá nước cấp cho sản xuất tăng từ 11.400 đồng lên 12.100 đồng mỗi m3 (tức tăng hơn 6%).

Nhiều địa phương từ đầu tháng 6 cũng tăng giá nước cho sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp với mức tăng bình quân trên 20%. Chẳng hạn, tỉnh Bình Phước tăng giá nước thêm 22,5%, lên mức giá sỉ 14.233 đồng một m3. Tỉnh này cũng áp dụng lộ trình tăng giá bình quân 6% một năm từ nay tới 2026.

Ngoài ra, một số địa phương khác đang có kế hoạch tăng giá nước theo lộ trình từ nay tới 2026, với mức tăng 5-7%.

Ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam cho hay, bình quân doanh nghiệp ngành này sử dụng 10.000 m3 một ngày đêm cho sản xuất. Giá nước sạch tăng trên 20%, có nơi gần 30% so với trước dẫn tới chi phí tiền nước, sản xuất của các doanh nghiệp tăng vọt.

“Đây là mức tăng quá cao và nhanh trong bối cảnh các doanh nghiệp đang vật lộn duy trình sản xuất, chưa phục hồi sau dịch”, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam nhận xét.

Các doanh nghiệp ngành giấy cho rằng, mức giá bán nước sạch cho sản xuất ở ngưỡng 11.000-12.000 đồng một m3 sẽ phù hợp, giúp họ bớt gánh nặng chi phí. “Các doanh nghiệp sản xuất đều có hệ thống tuần hoàn, tiết kiệm dùng nước nhưng chi phí nước luôn chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất. Việc tăng giá nước lúc này sẽ càng bồi thêm khó khăn”, lãnh đạo một doanh nghiệp giấy tại Bình Phước chia sẻ.

Trước những khó khăn này, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam đề nghị các địa phương xem xét lại quyết định tăng giá nước, và không tăng kịch trần mức bình quân hằng năm 6%. “Tỷ lệ tăng giá nước bình quân hằng năm nên ở mức 3%, lộ trình kéo dài tới năm 2030 để bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp”, đại diện Hiệp hội Giấy kiến nghị.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, việc tăng giá nước với ngành sử dụng nhiều như sản xuất giấy sẽ làm tăng chi phí sản xuất, dẫn tới tăng giá thành và tác động tới chỉ số CPI.

Ông đề nghị các địa phương xem xét lại lộ trình tăng giá mặt hàng này và giảm một nửa tỷ lệ tăng giá hằng năm so với hiện nay. Việc này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, góp phần thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.

Sáu tháng đầu năm, sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp giấy tăng gần 4% so với cùng kỳ, nhưng sản xuất và xuất khẩu lại giảm do giá bột giấy – nguyên liệu sản xuất chính đã lập mức đỉnh trong tháng 6, với mức tăng 18-60%.

Chẳng hạn, bột giấy tẩy trắng gỗ cứng ở mức 830 USD một tấn, bột giấy tẩy trắng gỗ mềm “vọt” lên 1.088 USD một tấn. Còn bột giấy phế liệu cũng ở mức 270-280 USD một tấn.

Nửa cuối năm, Hiệp hội Giấy và bột giấy nhìn nhận vẫn là khoảng thời gian thách thức với ngành này khi giá nguyên nhiên liệu, năng lượng và áp lực chi phí gia tăng. Trong khi đó giá giấy sẽ giảm do tiêu dùng thấp, còn xuất khẩu vẫn bấp bênh do “cầu” thị trường Trung Quốc vẫn thấp do chính sách phòng dịch, zero Covid.

Theo VnExpress



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons