05 Th4 Bức tranh thương mại điện tử đa sắc
Những số liệu công bố bởi các tổ chức trong nước và quốc tế cho thấy bức tranh ngành thương mại điện tử tại Việt Nam khá đa dạng và đầy tiềm năng, được kỳ vọng sẽ xuất hiện thêm nhiều gam màu sáng trong năm 2023.
Thương mại điện tử “bứt tốc”
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer (Hoa Kỳ), doanh thu thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu ước đạt trên 5.700 tỷ USD năm 2022, và dự báo sẽ bứt phá ở mức 6.300 tỷ USD vào năm 2023. Đến năm 2026, con số này có thể lên tới hơn 8.100 tỷ USD.
Trong khi đó, tại Việt Nam, quy mô ngành thương mại điện tử bán lẻ đã tăng trưởng 20%, từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên khoảng 16,4 tỷ USD năm 2022, với 57-60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm vừa qua (theo số liệu Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022). Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7,2% – 7,8%, gấp đôi so với thời điểm cách đây 5 năm.
Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bình quân, mỗi người Việt chi khoảng 260-285 USD cho thương mại điện tử, tương đương 6-6,7 triệu đồng. Tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến là 74,8%, tức là cứ 10 người dùng Internet thì có tới hơn 7 người mua hàng online.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ được người Việt mua nhiều trên mạng là: Quần áo, giày dép và mỹ phẩm (69%); Thiết bị đồ dùng gia đình (64%); Đồ công nghệ và điện tử (51%); Sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng (50%); Thực phẩm (44%);…
Những con số này lý giải một thực tế khá đương nhiên: Thương mại điện tử giờ không còn là sự lựa chọn nữa, mà đã trở nên bắt buộc nếu các doanh nghiệp muốn tồn tại trong bối cảnh mới. Qua hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và lạm phát, người tiêu dùng đã nhanh chóng điều chỉnh hành vi mua sắm, tích cực chuyển đổi giữa các kênh mua hàng để đảm bảo trải nghiệm mua sắm phù hợp.
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam (theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022)
Khảo sát của NielsenIQ chỉ ra, người tiêu dùng giờ có tần suất mua sắm trực tuyến ngang bằng với trực tiếp. Có tới 63% người tiêu dùng toàn cầu đã tăng cường mua sắm trực tuyến, trong khi 42% giảm mua sắm tại các cửa hàng. Trong tương lai, những người tiêu dùng này cũng tiết lộ họ sẽ tiếp tục mong muốn mua sắm trực tuyến nhiều hơn (với tỷ lệ 50%).
Tại Việt Nam, có 73% người tiêu dùng cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử và 59% cho biết họ đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế.
Song, số liệu từ Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho thấy, số lượng website, ứng dụng thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương xác nhận thông báo tăng liên tục từ 29.370 (năm 2019) lên 36.451 (năm 2020) và đạt 43.411 website, ứng dụng (năm 2021); trong khi số lượng đã được xác nhận đăng ký tăng từ 1.191 (năm 2019) lên 1.525 (năm 2020) nhưng lại giảm còn 1.448 website, ứng dụng vào năm 2021. Xu hướng này cho thấy sự siết chặt trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp.
Dòng vốn chảy vào các “ngách”
Chỉ tính riêng các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, cuộc chiến đã khá gay gắt. Theo xếp hạng của Bộ Công Thương, 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hiện nay chiếm đến 95% thị phần doanh thu, gồm: Shopee, Lazada, Grab, Baemin, Tiki, GoJek, Sendo, Foody/ShopeeFood, Be, Aha Move.
Dù vậy, thương mại điện tử vẫn chứng minh được sức nóng của mình, khi nhiều startup quyết tâm tìm kiếm thành công ở các cơ hội “ngách”.
Năm 2022 ghi nhận lượng vốn lớn đổ vào các startup thương mại điện tử. Thương hiệu thời trang cung cấp sản phẩm trực tiếp qua kênh trực tuyến (D2C) Coolmate huy động thành công 5,4 triệu USD qua 3 lần gọi vốn vòng Series A; nền tảng thương mại điện tử qua mạng xã hội (thương mại xã hội – Social Commerce) Mio huy động được 8 triệu USD vòng Series A; nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group (OCG) huy động được 7 triệu USD vòng Series A do “kỳ lân” công nghệ VNG dẫn dắt cùng sự tham gia của Do Ventures; ứng dụng giao hàng Rino mới ra đời năm 2021 huy động được 3 triệu USD vòng pre-seed;…
Ngoài ra, còn nhiều cái tên khác đã huy động thành công dòng vốn vào thương mại điện tử như FoodMap (2,9 triệu USD, vòng Pre-series A); Selly (2,6 triệu USD, vòng Pre-Series A); SoBanHang (2,5 triệu USD); Aemi (2 triệu USD)…
Trước đó, hàng loạt thương vụ lớn cũng đã diễn ra trong năm 2021 ở lĩnh vực thương mại điện tử, như Tiki nhận 258 triệu USD trong vòng Series E do AIA dẫn dắt; Telio nhận 22,5 triệu USD từ VNG vòng Pre-Series B; KiotViet nhận 45 triệu USD vòng Series B do KKR dẫn đầu;…
Cơ cấu vốn đầu tư mạo hiểm theo ngành vào Việt Nam năm 2022 cho thấy thương mại điện tử là lĩnh vực hấp dẫn nhất năm qua, chiếm 31% (theo Nextrans)
Mạng xã hội và bán hàng đa kênh lên ngôi
Báo cáo do Google, Temasek, Bain & Co công bố vào tháng 10/2022 vừa qua dự báo, quy mô nền kinh tế số của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 50 tỷ USD vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, đưa nước ta trở thành thị trường tăng trưởng với tốc độ “chóng mặt” nhất khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế số sẽ phát triển nhanh hơn 2 lần so với tăng trưởng GDP danh nghĩa quốc gia đến năm 2030, với mức tăng trưởng lần lượt là 31% và 12% giai đoạn 2022-2025; 19% và 9% giai đoạn 2025-2030. Trong đó, riêng lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ tăng tới 37% từ nay đến năm 2025.
Về xu hướng, bán hàng qua mạng xã hội được kỳ vọng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh. Theo Tờ The Future of Commerce, doanh thu bán hàng trên nền tảng mạng xã hội ước đạt 992 tỷ USD trong năm 2022, và dự báo sẽ đạt mức khoảng 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2026.
Năm 2022, Bộ Công Thương đã kết hợp với nền tảng TikTok giới thiệu Online Friday 2022 ngay trên nền tảng với 60 triệu lượt xem, khuyến khích người dùng thực hiện video chia sẻ các kinh nghiệm mua sắm hữu ích, giới thiệu các sản phẩm chất lượng, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn… đến với hàng triệu người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Trong 60H livestream trên TikTok, Online Friday 2022 nhận về 1,7 triệu lượt xem, hiệu ứng từ livestream còn đẩy lượt xem của hai hashtag #onlinefriday và #onlinefriday2022 lên tới 250 triệu lượt.
Sức hút của Online Friday cũng kéo về cho TikTok Shop lượng traffic khổng lồ. Cụ thể trong thời gian diễn ra chương trình, có tới 458 triệu lượt người dùng vào gian hàng TikTok Shop và phát sinh 5 triệu đơn hàng, tỉ lệ chuyển đổi được đánh giá ở mức rất khả quan là 5.76%.
So với năm trước đó, Online Friday 2022 đạt những cột mốc tăng trưởng ấn tượng. Số lượt xem trang Facebook chương trình tăng 1500%, lượt xem thông tin trên website onlinefriday.vn tăng hơn 900%, lượt người dùng mới tăng 800% và lượt tái truy cập đạt 700%.
Các chuyên gia đánh giá, Online Friday 2022 đạt tăng trưởng vượt trội là nhờ việc nắm bắt và tận dụng hiệu quả các xu hướng thương mại điện tử mới như Shoppertainment, Tiktok Shop, Liveshopping,…
Mới đây nhất, ngày 28/2/2023, Tiktok đã chính thức ký kết biên bản hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong việc số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Theo đó, TikTok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai các khoá tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP tại các tỉnh thành (Ninh Bình, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Huế, Lâm Đồng…), đồng thời tái khởi động hashtag #DacSanVietNam trên nền tảng nhằm thúc đẩy tương tác và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng.
Trước đó, TikTok đã tổ chức thành công hơn 10 khoá đào tạo địa phương về chuyển đổi số, thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop để bán hơn 500 sản phẩm đặc trưng mỗi vùng miền trong năm 2022. Hashtag #OCOP và #DacSanVietNam đã thu hút lần lượt 305 triệu và 350 triệu lượt xem, qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển tiềm năng cho các sản phẩm OCOP.
Bên cạnh mạng xã hội, bán hàng đa kênh (omni-channel) được dự báo là sẽ tiếp tục lên ngôi trong năm 2023, sau khi nổi lên từ giai đoạn dịch bệnh. Omni-channel cung cấp cho người dùng trải nghiệm mua sắm đầy đủ, trực tuyến từ máy tính, thiết bị di động đến mua trực tiếp tại cửa hàng. Do đó, Omni-channel sẽ tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm tích hợp, liền mạch để bán hàng thông qua gia tăng các “điểm chạm” đến khách hàng. Ví dụ, người dùng đang tiến hành đặt hàng tại website của doanh nghiệp hoặc một sàn thương mại điện tử, nhưng vì lý do gì đó mà thoát ra không đi đến quyết định mua sắm cuối cùng. Ngày hôm sau, những sản phẩm đó sẽ lại xuất hiện ở một quảng cáo trên Facebook khách hàng, dẫn đến đường link giỏ hàng để khách hàng có thể quay lại hoàn thành đơn hàng một cách dễ dàng. Đây chính là những “điểm chạm” liền mạch quan trọng để thúc đẩy người tiêu dùng gắn bó với thương mại điện tử.
Nói cách khác, sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ đơn giản là có mặt dày đặc trên nhiều nền tảng, nhiều kênh khác nhau, mà cần có sự kết nối, chuyển tiếp trải nghiệm.
Việc xây dựng tốt chiến lược bán hàng đa kênh không chỉ giúp thu hút khách hàng mới cho doanh nghiệp, mà còn tăng khả năng giữ chân, đưa khách hàng quay lại mua sắm ở những lần sau.
Năm 2022, Bộ Công Thương đã triển đồng loạt các Hội nghị kết nối thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng, kết nối cung cầu ở nhiều địa phương, đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử, tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.
Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Doanh số thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cùng với đó, kế hoạch cũng đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa các mục tiêu này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử. Khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.
Theo tapchicongthuong.vn