10 Th10 Chống gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả – bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp ngành giấy trong nước
Ngày 23 tháng 10 năm 2020, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã có buổi gặp làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục phòng vệ thương mại Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giấy, các sản phẩm giấy tại Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, thảo luận và trao đổi về các hiện tượng gian lận thương mại, bán phá giá, sản xuất và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả và trốn thuế… tại thị trường Việt Nam.
Cuộc họp giữa Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, các doanh nghiệp Ngành giấy với Tổng cục QLTT Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương về vấn đề bán phá giá, hàng nhái, hàng giả các mặt hàng giấy in, giấy viết tại Việt Nam. Ảnh VPPA
Theo thông tin cung cấp của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty VPP Hồng Hà và các doanh nghiệp khác… thì hiện tượng gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm giấy, nhất là giấy in, giấy viết từ lâu.
Gian lận thương mại, sản xuất và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả trong lĩnh vực giấy in, viết… tập trung chủ yếu vào các hình thức sau: Các doanh nghiệp sử dụng hình thức gian lận về nguồn gốc, xuất xứ nhằm lẩn tránh thuế suất nhập khẩu và thuế chống bán phá giá, thuế trợ cấp, mua giấy sản xuất trong nước với tỷ lệ rất thấp để lấy chứng nhận xuất xứ, nhưng xuất khẩu đi với số lượng rất lớn, trong đó chủ yếu là giấy nhập khẩu; nhập khẩu giấy in, giấy viết, giấy tissue… dạng cuộn đã gia công sẵn dưới dạng tờ, sau đó chỉ hoàn thiện bổ sung và xuất khẩu thành phẩm; đầu tư nhà máy với diện tích lớn, tuy nhiên máy móc rất ít và đơn giản, sau đó nhập khẩu vở, sổ đã hoàn thiện để xuất bán cho thị trường nội địa (nhằm hưởng ưu đãi thuế VAT và thuế suất nhập khẩu của Việt Nam). Hoặc làm giả, làm nhái các thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước (VPP Hồng Hà, tissue Sông Đuống…) và bán ra thị trường với giá thấp hơn rất nhiều giá của sản phẩm chính hiệu.
Trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh đã nhập khẩu giấy in, giấy viết từ nước ngoài và bán ra thị trường Việt Nam với giá thấp hơn giá thành sản xuất của doanh nghiệp giấy trong nước, thậm chí giá thành phẩm của họ khi bán ra tương đương với giá nguyên liệu đầu vào tại thị trường khu vực. Những hiện tượng này đang gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp giấy trong nước.
Theo Đại diện Cục phòng vệ thương mại Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần nghiên cứu, sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hiện nay. . Phòng vệ thương mại được Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho phép thực hiện, các nước phát triển, có nền kinh tế lớn lại là những nước phổ biến áp dụng biện pháp này.
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái… các doanh nghiệp cần phối hợp kịp thời, tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là với quản lý thị trường khu vực trong việc cung cấp thông tin và xử lý các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp gian lận, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các doanh nghiệp trong nước./.
Theo VPPA