Doanh nghiệp giấy cần nỗ lực trước những khó khăn

Doanh nghiệp giấy cần nỗ lực trước những khó khăn

Trước xu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, có nhiều vấn đề các ngành kinh tế, các DN, các đơn vị sản xuất phải quan tâm để chọn được mục tiêu và chiến lược kinh doanh đúng đắn. Hiện nay, ngành giấy là một trong những ngành được Bộ công thương, chính phủ hết sức quan tâm. Tuy nhiên, ngành giấy đang đứng trước nhiều những thách thức, khó khăn rất lớn.

Cạnh tranh khốc liệt

Thị trường giấy trong nước đang đối mặt trước sự cạnh tranh khốc liệt, gay gắt giữa giấy sản xuất trong nước và nhập khẩu. Thực tế, trên thị trường trong nước, các thương hiệu giấy đến từ các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cho đến các nước khu vực Á – Âu khác như Nhật Bản, Anh… đang chiếm phần lớn thị phần, đe dọa sự sống còn của ngành giấy Việt Nam. Hiện giấy thương hiệu Việt đa phần nhập về và đóng gói chứ ít có công ty nào sản xuất được hoàn toàn như Tổng công ty Giấy Việt Nam. Giới chuyên gia trong ngành giấy cho rằng hiện các doanh nghiệp lớn đang chiếm vai trò áp đảo, dù cho cả nước có khoảng 1.000 DN ngành giấy, chiếm 80% là doanh nghiệp nhỏ lẻ. Nhưng thực tế, khoảng 40% nhu cầu giấy công nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Hệ thống máy móc cũ, công nghệ lạc hậu

Nhiều doanh nghiệp giấy nội địa vẫn còn tồn tại hệ thống máy móc cũ, công nghệ lạc hậu khiến cho khả năng đáp ứng tiêu dùng nội địa ngày càng thấp, đặc biệt không có sự đột phá về chất lượng.  Với gốc là những DN nhỏ lẻ, thiếu và yếu về mọi mặt, cộng thêm sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các DN nước ngoài, cơ chế chưa thực sự thuận lợi… Nhận định về sự phát triển của DN trong nước, ông Mạc Cẩm Phước, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Valmet Việt Nam – cho biết: “Lợi thế về thị phần giấy đang nghiêng về các DN lớn, chủ yếu là DN FDI với sự đầu tư bài bản, đưa vào vận hành các nhà máy công suất cao, máy móc hiện đại như Kraft Vina (thuộc Tập đoàn SCG – Thái Lan), Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)…. Những doanh nghiệp trong nước đứng vững trên thị trường chiếm số ít như: Tổng công ty Giấy Việt Nam, An Hòa…”. Theo ông Vũ Ngọc Bảo – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam cho biết, thực tế này của ngành giấy là “quá trình chọn lọc tự nhiên”. Khi kinh tế khó khăn sẽ là thử thách để các doanh nghiệp khẳng định sự tồn tại của mình.

Nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu

Hiện nay, nguồn nguyên liệu giấy sản xuất trong nước phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu, chiếm gần 2/3. Số còn lại, các doanh nghiệp tự sản xuất. Tuy nhiên, do nhập khẩu khoảng 50% nguyên liệu cho việc tự sản xuất này nên sản xuất giấy trong nước ngày càng khó khăn. Theo dự đoán của các ngành hữu quan, đây là một trong những nguyên nhân góp phần tiếp tục đẩy giá giấy tăng cao trong thời gian tới. Việt Nam đã vượt qua Australia để trở thành nước xuất khẩu dăm mảnh với khối lượng lớn sang Nhật Bản, Trung Quốc nhưng giá trị thu được rất thấp. Tại Việt Nam năng lực sản xuất bột giấy mới chỉ đáp ứng được ½ nhu cầu sản xuất giấy. Do đó ngành công nghiệp giấy luôn phải phụ thuộc vào nguồn bột giấy nhập khẩu với giá cao từ nước ngoài về để sản xuất giấy. Vì vậy, Việt Nam rất cần tận dụng các nguồn nguyên liệu tái sinh từ giấy thải vì giá thành bột giấy từ giấy thải luôn thấp hơn, chi phí vận chuyển, thu mua và xử lý thấp hơn nên có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất rất lớn để hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài những khó khăn trên, doanh nghiệp ngành giấy còn gặp nhiều khó khăn về giá vận chuyển khi sản phẩm giấy có đặc thù là hàng có kích thước lớn nhưng giá trị nhỏ, đẩy giá giấy in lên cao khó cạnh tranh hơn. Hiện nay, công nghệ thông tin và mạng xã hội ngày càng phát triển, các ấn phẩm in từ giấy giảm mạnh mẽ.

Cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời

Ngành giấy đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Để đứng vững và phát triển đòi hỏi ngành giấy phải có những biện pháp mang tính tổng lực nhằm tận dụng thời cơ và sức mạnh, khắc phục khó khăn, thách thức. Các DN trong nước muốn cạnh tranh phải nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho nghành giấy, nhà nước cần có chính sách ưu đãi trong việc tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ, đào tạo, nghiên cứu thị trường, thuế…và tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA để phát triển vùng nguyên liệu, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy…Có như vậy ngành giấy mới tồn tại và phát triển, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

BBT

 



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons