Hiệp hội Giấy Nhật Bản thăm và làm việc với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Hiệp hội Giấy Nhật Bản thăm và làm việc với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Ngày 29/6/2018, đại diện Hiệp hội Giấy Nhật Bản và Trung tâm xúc tiến giấy tái chế Nhật Bản đã tới thăm và làm việc tại Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam.

Trân trọng cám ơn sự quan tâm của đoàn Nhật Bản, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) chia sẻ các thông tin chung liên quan đến sản xuất giấy tại Việt Nam. Ông Đức cho biết công nghiệp giấy Việt Nam đang còn rất nhỏ bé  (tổng công suất hiện tại mới đạt hơn 3 triệu tấn giấy các loại /năm; tuy nhiên cũng đang cho thấy có nhiều cơ hội phát triển, nhất là lĩnh vực  tái chế giấy, sản xuất bao bì.

Tại Việt Nam giấy tái chế được sử dụng trong sản xuất giấy bao bì và phụ thuộc vào 2 nguồn nguyên liệu chính (thu gom trong nước và nhập khẩu), tuy nhiên hiện nay do ý thức của người dân về thu gom giấy đã qua sử dụng chưa cao, mang tính tự phát, đơn lẻ vì vậy Việt Nam đang rất mong muốn học tập các giải pháp, mô hình thu gom giấy hiệu quả mà Nhật Bản đang triển khai.

Tại buổi làm việc hai bên đã chia sẻ về chính sách của Chính phủ Nhật Bản về giấy thu hồi, giấy tái chế. Tìm hiểu tình hình ngành Công nghiệp Giấy, đặc biệt là giấy tái chế tại Việt Nam, tại buổi làm việc, Trung tâm Xúc tiến Giấy tái chế của Nhật ( có nhiệm vụ xúc tiến các hoạt động thu gom xử lý, nhằm làm môi trường sạch hơn cũng như bảo vệ tài nguyên giấy) đã giới thiệu về mô hình, các thức, quy trình trong thu gom giấy tái chế đang được áp dụng hiệu quả tại Nhật Bản. Theo đó, năm 2016 Nhật thu hồi được khoảng 21,2 triệu tấn giấy, trong đó xuất khẩu 4,1 triệu tấn, tái sử dụng trong nước đạt khoảng 17,1 triệu tấn. Tại Nhật có tới 99% lượng giấy sau thu gom đã được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất giấy mới.

Theo Trung tâm này thì Nhật Bản coi giấy thu hồi như một nguồn tài nguyên và được khuyến khích sử dụng hiệu quả. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia giấy thu hồi thành 9 nhóm (sau đó tiếp tục được chia thành 26 chủng loại). Các nhà thu gom tại quốc gia này sẽ thu thập giấy loại từ các nguồn với số lượng lớn và tập trung cho đầu mối sau đó chuyển tới các nhà máy để sử dụng.

Với những tiếp xúc và trao đổi bước đầu Chủ tịch VPPA, ông Nguyễn Việt Đức hi vọng 2 tổ chức sẽ có bước tiến xa hơn nữa, tiếp tục liên lạc trao đổi thông tin, hợp tác sâu sắc thường xuyên.

Có thể khẳng định Nhật là quốc gia đi trước rất nhiều nước trong nhận thức cũng như triển khai hiệu quả các hoạt động thu gom giấy, chính vì vậy, trong vai trò Chủ tịch ông Đức mong muốn Trung tâm Xúc tiến tái chế giấy Nhật Bản chia sẻ, cung cấp nhiều thông tin hơn nữa để VPPA có thể tư vấn cho cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các chính sách về tái chế giấy.

Ngoài ra tại buổi làm việc VPPA đề xuất mong muốn được Hiệp hội giấy Nhật Bản hỗ trợ trong việc kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu giấy tái chế của Nhật; cũng như hỗ trợ các thành viên của Hiệp hội có thể tham gia các khóa đào tạo, học tập kinh nghiệm về thu gom, tái chế giấy hiệu quả từ đó giảm được lượng giấy tái chế nhập khẩu.

VPPA



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons