16 Th8 Hiệp hội kiến nghị về các quy chuẩn kỹ thuật môi trường Ngành Giấy
Ngày 12/8/2021, Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội đã tham dự Hội nghị trực tuyến thẩm định nội dung của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều cho Luật bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo nghị định). Tham dự hội nghị còn có gần 120 đại diện các Bộ Ban, Ngành, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau, đóng góp ý kiến cho Dự thảo nghị định.
Dự thảo Nghị định lần này thực sự là một Đại Nghị định, dài 200 trang có tới 194 điều và có tới 88 phụ lục với độ dài 297 trang, sẽ thay thế cho Nghị định 40/2019/ND-CP vốn là nghị định tổng hợp, chỉnh sửa và bổ sung của một số Nghị định và thông tư về bảo vệ môi trường trước đó, Dự thảo nghị định lần này, liên quan mật thiết và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có liên quan đến vấn đề môi trường. Đối với Ngành giấy, vấn đề nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, quan trắc nước thải, danh mục mã HS phế liệu nhập khẩu là những vấn đề luôn nóng và luôn là chủ đề “đấu tranh” của Hiệp hội với các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm mục đích tạo điều kiện và bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp hội viên.
Trước đó, Hiệp hội đã gửi văn bản kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước về nhiều vấn đề như: Kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục gia hạn đến hết 31/12/2022 về việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu giấy phế liệu theo như Nghị quyết số 129/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch covid-19…; Góp ý và kiến nghị về Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (QCVN 33:2021); về hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” trong bối cảnh dịch covid-19.
Nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của các thông tư, nghị định và luật, Hiệp hội Giấy đã kiến nghị Dự thảo nghị định chỉ quy định các điều khoản về môi trường, còn các điều khoản liên quan tới các luật khác, không thuộc lĩnh vực môi trường cần được dẫn chiếu bởi quy định, luật khác.
Hiệp hội kiến nghị bỏ Khoản 4, Điều 53 của Dự thảo nghị định, trong đó quy định “Từ ngày 01/01/2025, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu tối đa bằng 80% công suất thiết kế, số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.”. Điều này không ảnh hưởng đến vấn đề môi trường mà ảnh hưởng bởi vấn đề cung cầu nguyên liệu cho sản xuất và nên chăng điều chỉnh bởi chính sách khuyến khích thu gom và tái chế.
Nội dung về Trình tự thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng và thông quan phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất của Điều 55 của Dự thảo nghị định, cũng được Hiệp hội đề xuất bỏ. Bởi vì, Trình tự thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng và thông quan phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, quản lý rủi ro sẽ được điều chỉnh và dẫn chiếu bởi Luật Hải quan và Luật Thương mại.
Đồng thời, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tiếp tục kiến nghị về những vướng mắc, bất cập trong việc quy định và cấp chi tiết các mã HS trong Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Giấy xác nhận).
Hiện nay, Thủ thướng Chính phủ đã ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (Quyết định 28/2020/QĐ-TTg), trong đó đối với ngành giấy có 03 mã HS được phép nhập khẩu (4707.10.00, 4707.20.00, 4707.30.00), cả 03 mã HS này đều là giấy đã được phân loại. Việc xử lý 03 loại giấy phế liệu có mã HS trên đều không có sự ảnh hưởng khác biệt về các chỉ tiêu bảo vệ môi trường.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài việc phải tuân theo Quy luật giá trị, còn phải chịu sự điều tiết và chi phối bởi quan hệ cung – cầu theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm, phải sử dụng nhiều loại phế liệu khác nhau, tương ứng với nhiều mã HS. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải sản xuất loại sản phẩm nào khách hàng và thị trường cần, khi đó mới có nhu cầu mua và sử dụng loại nguyên liệu tương ứng để sản xuất loại sản phẩm đó; Ngoài ra, việc mua bán còn phụ thuộc vào nguồn cung cả về chủng loại, số lượng và giá cả để có quyết định có tính khả thi và đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ luật pháp. Đặc biệt là khi nguồn cung thiếu hụt do khan hiếm, phải cạnh tranh gay gắt và vấn đề vận chuyển trong giai đoạn hiện nay cho tới nhiều năm về sau. Bởi vậy, Giấy xác nhận chỉ nên cấp tổng khối lượng phế liệu và tên gọi các loại mã HS được nhập, không nên cấp khối lượng chi tiết cho từng mã HS.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch covid-19 đang diễn biến nguy hiểm và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành, cũng như đến đời sống, sinh hoạt của người lao động. Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, tin chắc lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành vững vàng, tổ chức tốt việc phòng dịch và bảo đảm sản xuất, vượt qua đại dịch, hướng tới giai đoạn phát triển mới./.
VPPA