Hiệu quả kép từ đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp

Hiệu quả kép từ đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp

Ngày 6/12/2022, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo: “Đồng xứ lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”.

Ông Nguyễn Việt Đức đồng thời cho biết bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình KTTH đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chủ chốt của Ngành công nghiệp Giấy, trong đó xử lý, tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải tại nhà máy là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển Ngành trong những năm tới

Hội thảo nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn sản xuất trong việc sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải rắn của các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi, qua đó cho thấy hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường của giải pháp công nghệ này.

Tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải 

Phát biểu tại sự kiện ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy bao bì làm hòm hộp cho sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ngành công nghiệp giấy đã có sự phát triển vượt bậc về đầu tư công suất mới và gia tăng sản lượng, nhất là về sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi.

Trình bày về “các chính sách liên quan đến phân loại tại nguồn và tái chế chất thải ở Việt Nam”, tại Hội thảo TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đề cập đến các định hướng chính sách quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải, các hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Thông tư 02 – Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, Nghị định 08 Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT…)

Theo đó các quy định về phát triển KTTH được định nghĩa trong Luật là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Về Chất thải rắn công nghiệp CTRCN thông thường Luật BVMT 2020 quy định chủ cơ sở sản xuát công nghiệp phải thực hiện phân loại thành tại nguồn thành các loại: có thể tái sử dụng tái chế; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; CTRCN thông thường phải xử lý.

Đồng thời Luật cũng quy định tổ chức, cá nhân phát sinh CTRCN thông thường phải xử lý được tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng các yêu cầu như: Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có…; phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; Không đầu tư mới lò đốt và bãi chôn lấp để xử lý CTRCN thông thường, trừ trường hợp phù hợp với nội dung quản lý CTR trong các quy hoạch có liên quan…

Trong Thông tư 02 Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định danh mục chi tiết của ngành Giấy như chất thải từ quá trình chế biến, gỗ, giấy và bột giấy, vỏ cây, chất thải từ phân loại giấy vụn bìa phục vụ tái chế, mùn bùn thải… đều là CTRCN thông thường

Theo VPPA đến năm 2022, Ngành Giấy Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất, trong đó: hơn 20 doanh nghiệp có công suất lớn chiếm 65% sản lượng và hơn 480 doanh nghiệp công suất vừa và nhỏ chiếm ~ 35% sản lượng.

Năng lực sản xuất toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn. Đến năm 2030, ngành Giấy Việt Nam có định hướng sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở Khu vực và châu Á, sản lượng giấy và bột giấy đứng thứ 2, giấy bao bì đứng thứ 1 trong Khu vực, trong Top 10 Châu Á, với ước tính khoảng 10 triệu tấn giấy các loại, 9 triệu tấn giấy bao bì.

Lò hơi tầng sôi giúp các nhà máy giấy đạt hiệu quả kép

VPPA cho biết thực tế các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung hay các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi đều có một lượng lớn CTRCN thông thường cần xử lý. Bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm phần lớn.

Thực tế nhiều nhà máy phải thuê các công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt bỏ. Trong khi đây là một nguồn nguyên liệu quý có thể tái chế, tái sử dụng, đồng xử lý tại các cơ sở sản xuất để thu hồi, chuyển hóa thành nguồn năng lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất của chính cơ sở đó.

Theo VPPA, đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi, tận dụng nhiệt lượng đưa trở lại quá trình sản xuất, đồng thời xử lý được hầu hết CTRCN thông thường phát sinh tại cơ sở sản xuất, giảm chi phí đầu tư và vận hành, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là vấn đề đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc đang được triển khai áp dụng tại một số nhà máy và đã mang lại hiệu quả và lợi ích rõ rệt.

Hiện hầu hết các nhà máy sản xuất giấy có công suất lớn, hiện đại đều sử dụng lò hơi tầng sôi (dựa vào nhiệt lượng sinh ra của nhiên liệu, biến thành nhiệt năng của hơi nước). Lò đốt tầng sôi có khả năng đốt cháy kiệt các loại nhiên liệu, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, đồng thời cũng có khả năng đốt cháy hầu hết các khí hữu cơ phát sinh trước khí thải ra môi trường. Ngoài ra, ở các nhà máy giấy còn có một số loại bùn thải có cũng có thể được xử lý bằng phương pháp đốt để tận dụng nhiệt như: bùn thải từ quá trình xử lý nước thải, cặn bột giấy…

Kết luận hội thảo các đại biểu đều nhất trí việc sử dụng lò đốt tầng sôi tại các nhà máy giấy để đồng xử lý chất thải rắn đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn cả trong và ngoài nước thỏa mãn các quy chuẩn về môi trường. Việc cho phép sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải tại nhà máy sẽ tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm được chi phí đầu tư và chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững…

Valmet – Phần Lan là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ và thiết bị ngành giấy, đã nghiên cứu và thử nghiệm khắt khe đồng đốt (đồng xử lý) với rất nhiều các loại nhiên liệu trong lò hơi tầng sôi trên toàn cầu. Valmet chỉ ra lò hơi tầng sôi có nhiều ưu điểm như: khả năng linh hoạt sử dụng các loại nhiên liệu (nhiên liệu nhiệt trị cao, nhiều xỉ đến nhiên liệu độ ẩm cao); khả năng đồng đốt than và sinh khối đa dạng; độ tin cậy và hiệu suất cao; phát thải thấp (loại bỏ được hợp chất sulphur và các hợp chất ô nhiễm tiềm tàng khác ngay từ trong lò đốt).

Các dự án lò hơi tầng sôi trong đồng xử lý CTRCN thông thường đã và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu như: Bỉ, Thụy Điển, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc… đều cho thấy giải pháp này xử lý các phế phẩm và bùn thải từ nhà máy giấy đều đạt hiệu suất thu hồi năng lượng cao và đáp ứng các quy định môi trường khắt khe.

Thực tế thử nghiệm đồng đốt chất thải rắn không nguy hại trong lò hơi của các công ty như: Công ty TNHH xưởng giấy Chánh Dương và Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, cho thấy khi đồng đốt chất thải từ nhà máy giấy trong lò hơi sử dụng nhiên liệu than và trong lò hơi sử dụng củi thì các chỉ tiêu ô nhiễm của khói thải như: nhiệt độ khí thải, nồng độ ôxy dư; nồng độ CO, SO2, NOx; nồng độ bụi, HCl, Pb, Hg, Cd sau xử lý bằng bụi tĩnh điện đều đạt quy chuẩn môi trường QCVN 30:2012/BTNMT.

Martech Boiler là đơn vị sản xuất lò hơi lớn nhất tại Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ công nghệ, đã giới thiệu tổng thể lò hơi tầng sôi, đồng đốt, đồng xử lý rác thải rắn công nghiệp, chuyển hóa rác thải thành năng lượng với nhiều ưu điểm: hiệu suất thiết bị cao đến 87%; đốt đa nhiên liệu: than, trấu rời, trấu viên nén, trấu băm, bã mía, bã cà phê, mùn cưa, vỏ điều, vỏ cọ… vận hành ổn định; giảm chi phí, ít bảo trì; phát thải thấp & xử lý khí thải tiên tiến…

Làm chủ được công nghệ, thiết kế chế tạo được thiết bị lò hơi tầng sôi tiên tiến chất lượng phù hợp, giá thành rẻ hơn nhập ngoại Martech Boiler đã cung cấp các lò hơi đồng đốt, đồng xử lý chất thải rắn, đồng phát điện ở rất nhiều các nhà máy giấy lớn trên khắp cả nước như: Giấy Xuân Mai, Công ty Đông Hải Bến Tre, Giấy Thuận An (Bình Phước)… xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Hàn, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Philipines, Indonesia, Ôxtrâylia…

Trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy là sự lựa chọn đúng đắn, có hiệu quả cao cả về kinh tế và bảo vệ môi trường. Khuyến nghị đưa ra là các dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy rất cần chú trọng trong quá trình triển khai thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

Theo TS. Đặng Văn Sơn: Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam dù có sơ sở pháp lý vững chắc, đồng thời được kiểm chứng bằng bằng thực tiễn khoa học nhưng mô hình Đồng xứ lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi vẫn chưa thể ứng dụng rộng rãi do nhiều thách thức.

Cụ thể như: thiếu các văn bản hướng dẫn, thông tư dưới luật (nhằm cụ thể hóa các điều khoản trong Luật), dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất trong trong triển khai áp dụng; Nhận thức của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chưa đồng nhất, dẫn đến có địa phương cho phép có địa phương không. Doanh nghiệp cũng chưa chú trọng chú ý từ lúc nghiên cứu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo ông Sơn vốn đầu tư lò hơi tầng sôi có đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp cao hơn so với lò hơi thông thường, trong khi, hiện nay vẫn chưa có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, mặc dù đã có một số chương trình khuyến khích như: sử dụng năng lượng hiệu quả, kinh tế tuần hoàn,… tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận.

Theo ông Sơn bên cạnh nâng cao nhận thức về hiểu biết pháp luật và môi trường cần Khảo sát chính thức toàn diện và đánh giá hiệu quả của loại hình đồng xử lý này cả về mặt kinh tế và môi trường trong phạm vi toàn Ngành trên cả nước để làm căn cứ xây dựng các giải pháp thúc đẩy. Đồng thời xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể dễ hiểu để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hiểu và triển khai đồng bộ thống nhất từ trung ương đến địa phương trong cả nước…

Theo Tạp chí Công Thương



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons