Khám phá Hidaka Wahi – nơi sản xuất loại giấy mỏng nhất thế giới

Khám phá Hidaka Wahi – nơi sản xuất loại giấy mỏng nhất thế giới

Viết chữ lên Tengujo. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Chúng tôi đến ngôi làng Hidaka của tỉnh Kochi trong một ngày đầu Đông. Ngôi làng nằm sâu trong một vùng núi, chúng tôi phải đi bộ qua một con đường nhỏ ngoằn nghèo ven sông dẫn vào xưởng giấy nằm ở giữa làng.

Xưởng giấy washi khiến chúng tôi hơi bất ngờ trước diện tích khá khiêm tốn của nơi này. Không chỉ như vậy, các máy sản xuất giấy tại đây trông bề ngoài khá đơn giản và thô sơ như máy móc của một xưởng sản xuất thủ công.

Nếu không được giới thiệu trước, có lẽ khó có thể hình dung đây là một trong những xưởng sản xuất nổi tiếng của thế giới, là nơi duy nhất ở Nhật Bản cung cấp cho cả thế giới loại giấy đặc biệt washi (giấy Nhật) chuyên dụng để bảo vệ các đồ tạo tác cổ.

Thành lập vào tháng 4/1949, mục tiêu của Hidaka Washi là phát triển những loại giấy truyền thống đặc biệt của Nhật Bản.

Trong thời kỳ công nghệ sản xuất giấy bằng máy móc đang phát triển mạnh, Hidaka Washi lại chú trọng vào việc phải gìn giữ được nghề sản xuất giấy thủ công.

Tuy nhiên, song song với việc ứng dụng các kỹ thuật truyền thống, những người thợ thủ công của Hidaka Washi cũng kết hợp cải tiến và phát triển các công nghệ mới.

Sự kết hợp hiệu quả này đã giúp Hidaka Washi thành công trong việc sản xuất được tất cả các loại giấy truyền thống washi, trong đó nổi tiếng nhất là sản phẩm giấy Tengujo, được cho là mỏng nhất thế giới.

Giới thiệu với chúng tôi loại giấy này, ông Hiroyoshi Chinzei, tự hào cho biết với độ dày chỉ 0,02mm, mỏng như da người và nặng 1,6gram/m2, Tengujo được mệnh danh là “đôi cánh phù dung,” là sản phẩm được ưa chuộng trên thế giới trong lĩnh vực bảo quản đồ tạo tác cổ.

Thế mạnh của Hidaka không chỉ là loại giấy mỏng 0,02mm mà còn là độ trắng của giấy. Xuất phát từ đơn đặt hàng của một khách hàng yêu cầu loại giấy trắng không dùng chất tẩy clo.

Vào thời điểm đó, sử dụng clo là kỹ thuật tẩy trắng giấy duy nhất, tuy nhiên nhược điểm của kỹ thuật này là để lại dấu vết trên giấy là giấy ngả màu vàng nhẹ, theo thời gian sẽ mất dần độ trắng và trở nên kém chất lượng.

Chính vì vậy, nếu sử dụng washi có dùng chất tẩy trắng clo sẽ không phù hợp cho công việc bảo tồn các đồ tạo tác cổ.

Với 8 nhân công, mỗi năm Hidaka Washi sản xuất 5.000m2 giấy Tengujo, được bán ra thị trường với giá khoảng hơn 260.000 đồng/m2.

Các loại giấy của Hidaka đạt được yêu cầu trắng, mỏng và bền, phù hợp để bảo vệ các đồ tạo tác, đồng thời vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ.

Đặc biệt đối với các văn thư cổ, Tengu đảm bảo được yêu cầu vừa chống nguy cơ mối mọt, xuống cấp, nhưng vẫn có thể đọc được các ký tự hoặc hình ảnh trên các văn thư này.

Tính đến nay, washi của Hidaka Washi được xuất khẩu ra khoảng 30 nước trên thế giới, chủ yếu là ở Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông./.

Nguyễn Tuyến – Gia Quân (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Theo http://www.vietnamplus.vn



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons