15 Th2 Logistics vẫn khó khăn, giá OCC tăng mạnh ở Đông Nam Á
Thiếu lao động, tắc nghẽn tại cảng và khó đặt chỗ trên tàu đối với hoạt động xuất khẩu giấy thu hồi tại các nước xuất khẩu đã gây nên tình trạng tồn kho cao và sự chậm trễ trong việc giao hàng cho khách hàng. Đây là những nguyên nhân chính thúc đẩy tăng giá đối với mặt hàng giấy thu hồi tại thị trường các nước Đông Nam Á.
Giá giấy thu hồi (RCP) nhập khẩu ở Đông Nam Á (SEA) và Đài Loan tiếp tục tăng cao trong nửa đầu tháng 2/2022, do ảnh hưởng của logistics đến chuỗi cung ứng.
Thiếu lao động, tắc nghẽn tại cảng và khó đặt chỗ trên tàu đối với hoạt động xuất khẩu giấy thu hồi tại các nước xuất khẩu đã gây nên tình trạng tồn kho cao và sự chậm trễ trong việc giao hàng cho khách hàng.
Nhiều nhà máy đã cạn kiệt lượng hàng dự trữ và đang muốn bổ sung lượng hàng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng lại ngưng đặt hàng do giá tăng vọt.
Tại Đài Loan, mức tăng 20 USD/tấn hầu như được thông báo đối với mọi loại giấy thu hồi. OCC12 được chốt giá ở mức 270 USD/tấn tại thời điểm tuần đầu tháng 2/2022, tăng 20 USD/tấn so với cuối tháng 01/2022.
Tại khu vực Đông Nam Á, các loại giấy thu hồi (nâu) cao cấp của Mỹ đang đạt mức 290-310 USD/tấn (không kể thị trường Indonesia).
Tại Indonesia, loại này đang được bán với giá 300-310 USD/tấn đối với các đơn hàng nhỏ và 330-340 USD/tấn đối với khối lượng lớn. Thậm chí, có lúc đạt đỉnh lên tới 370-380 USD/tấn.
Tại Ấn Độ, loại OCC 11 đã đạt mức giá 325 USD/tấn và 330 USD/tấn cho OCC12.
Tương tự, OCC Châu Âu (95/5) tăng 10-15 USD/tấn, đóng cửa ở mức 275-290 USD/tấn tại Đông Nam Á. Tại Ấn Độ, loại cao cấp của châu Âu đã lên tới 310 USD/tấn.
Sự tăng giá của giấy thu hồi Mỹ và Châu Âu đã ảnh hưởng đến RCP của Nhật Bản. OCC của Nhật Bản đóng cửa ở mức 280-290 USD/tấn, tăng 5-20 USD/tấn, với hầu hết khối lượng được bán ở Đài Loan và Việt Nam./.
Theo PPI Asia