03 Th6 Ngành công nghiệp tạo dựng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong tiến trình hội nhập đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo dựng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất
Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt, có đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót cần khắc phục cả trước mắt và trong chiến lược dài hạn.
Nhận thức rõ thực trạng đó, cần có hệ thống giải pháp chiến lược nhằm tạo bước chuyển dịch căn bản trong phát triển công nghiệp; qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực và của thế giới, thuộc nhóm ASEAN-4 và nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ.
Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.
Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua (2011 – 2020), công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy…, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và chỉ còn 5,55% vào năm 2020). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%. Xét cả giai đoạn 2011 – 2020, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 14,27% năm 2016; 16,48% vào năm 2019 và đạt khoảng 16,7% vào năm 2020).
Hay như ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản… Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.
Một dấu ấn đáng ghi nhớ khi báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”, cho thấy năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
Điều quan trọng ghi dấu ấn khi công nghiệp trở thành ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống nhân dân. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao (tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020). Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Vươn lên tự chủ chứ không nên phụ thuộc
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, muốn phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Sâu xa hơn, để có một nền công nghiệp thực sự phát triển, đóng vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ góc độ của Bộ Công Thương cần có cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; khuyến khích phát triển hài hòa/hợp lý các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới; dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc CMCN 4.0.
Theo đó, các chính sách vĩ mô cần được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho các nguồn lực xã hội (vốn, nguồn nhân lực…) hướng vào lĩnh vực sản xuất nói chung và các ngành công nghiệp nền tảng nói riêng. Sản xuất công nghiệp hiện nay được tổ chức theo chuỗi giá trị (thượng nguồn – trung nguồn – hạ nguồn) rất chặt chẽ, do đó, ưu tiên của việc phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp nền tảng là tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị của ngành, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đất nước so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cũng như nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần định hướng mở rộng từ các cơ chế, chính sách truyền thống như ưu đãi tín dụng và miễn giảm thuế sang cơ chế, chính sách mới như hỗ trợ ngân sách. Định hướng xây dựng các tiêu chí, điều kiện, cơ chế để xác định và phát triển mạnh mô hình cụm liên kết ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên biệt cho một số ngành công nghiệp nền tảng, dựa trên mức độ tập trung công nghiệp và tính kết nối theo chuỗi sản xuất để hình thành hệ sinh thái tổng thể cho ngành công nghiệp nền tảng phát triển, từ đó tạo tác động lan toả sang các ngành liên quan.
Bên cạnh đó tập trung kiến thiết động lực tăng trưởng mới của ngành công nghiệp Việt Nam theo quan điểm phát triển bền vững: Tăng cường năng lực tự cường, tiến tới tự chủ cao thông qua việc chiếm lĩnh công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi sản xuất toàn cầu đi đôi với bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sống là một trong nhân tố quan trọng đưa công nghiệp Việt Nam vượt qua những tồn tại, nguy cơ, tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế.
Ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) – nhấn mạnh, đi vào mục tiêu cụ thể hơn, đối với các chính sách phát triển ngành công nghiệp Bộ Công Thương sẽ đề xuất trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát triển những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên.
Bên cạnh đó Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như là xây dựng các chuỗi sản xuất công nghiệp; cần có những chính sách xây dựng các tập đoàn lớn để dẫn dắt theo các ngành công nghiệp đi theo. Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, vẫn phải phát triển các ngành có sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như công nghiệp tự chủ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu.
Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ cho các tập đoàn lớn, Bộ Công Thương cũng sẽ đề xuất hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp để khắc phục những điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp này như hỗ trợ vốn, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực cũng như hỗ trợ về chuyển giao công nghệ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
Hiện Bộ Công Thương xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật này sẽ tập trung điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, có tác động lan tỏa thúc đẩy tới các ngành công nghiệp và kinh tế khác.
Việc xây dựng và ban hành trình Luật công nghiệp trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ngoài ra, Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.
Phát huy vai trò và truyền thống của ngành Công nghiệp, động viên cán bộ, công nhân trong Ngành xây dựng ngành Công nghiệp Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước; đồng thời theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ngày 03 tháng 6 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 459/QĐ-TTg về ngày truyền thống ngành Công nghiệp Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Hàng năm, lấy ngày 28 tháng 8 là “Ngày truyền thống của ngành Công nghiệp Việt Nam”. |
Theo Báo Công Thương