Ngành giấy Việt Nam 2018 và một số đề xuất cho sự phát triển bền vững

Ngành giấy Việt Nam 2018 và một số đề xuất cho sự phát triển bền vững

Bước qua một năm kinh tế Việt Nam có những tăng trưởng đáng mừng, ngành giấy cũng không ngoại lệ. Nhưng trước thềm năm mới, ngành giấy thấy rõ những khó khăn, diễn biến phức tạp, cần sự định hướng đầu tư và chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm mang đến những cơ hội tốt cho sự phát triển bền vững.

Kinh tế Việt Nam năm 2018: Hấp dẫn nhưng áp lực

Nhận định về kinh tế Việt Nam trong năm 2018, thông điệp đầu năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ có nêu: Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng mạnh, đạt trên 5,5 triệu tỉ đồng, bình quân đầu người đạt 2.587 USD. Điều đáng mừng là tăng trưởng cao trong khi nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì tốt và ngày càng được củng cố. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở mức 3,54%, các cân đối lớn được đảm bảo, thể hiện các chính sách vĩ mô được điều hành rất linh hoạt, hiệu quả.

Động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,98%, từ khu vực nông nghiệp với mức tăng 3,76%, từ tổng cầu tăng mạnh với tổng mức bán lẻ tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỉ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỉ USD; xuất siêu 7,2 tỉ USD; dự trữ ngoại hối đạt trên 60 tỉ USD. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 15,9%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (12,9%). Hàng hóa mang thương hiệu Việt đã có tại siêu thị của hầu hết các quốc gia trên thế giới với 5 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỉ USD, 29 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỉ USD. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỉ USD.

Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế mở hàng đầu thế giới, chúng ta đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP, đang đẩy mạnh vận động ký kết Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA); tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra sức hấp dẫn cao thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và ngành giấy cũng không phải là ngoại lệ.

Bên cạnh kết quả to lớn đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài chưa cao. Mô hình tăng trưởng chuyển đổi còn chậm; các nguồn lực chưa được giải phóng tối đa; việc cơ cấu lại nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm, lúng túng; công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng; chưa tham gia nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực và hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm.

Ngành giấy Việt Nam 2018, tăng trưởng tốt nhưng còn nhiều bất cập

Theo số liệu tổng hợp chung của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), tổng lượng tiêu dùng giấy các loại tạm tính đạt 4,946 triệu tấn, tăng trưởng 16%; Tổng lượng sản xuất giấy các loại tạm tính đạt 3,674 triệu tấn, tăng trưởng 31,2%; Tổng lượng xuất khẩu giấy các loại đạt 809.250 tấn, tăng trưởng 63%; Tổng trị giá xuất khẩu giấy và thành phẩm giấy đạt kim ngạch khoảng 1,088 tỷ USD, tăng trưởng 50%; Tổng lượng giấy các loại nhập khẩu đạt lượng 2,081 triệu tấn, tăng trưởng 6%; Tổng trị giá nhập khẩu giấy và thành phẩm giấy đạt kim ngạch khoảng 2,674 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017. Bột giấy các loại nhập khẩu đạt lượng 339.387 tấn, tăng trưởng 8%; Tổng trị giá nhập khẩu đạt kim ngạch 263,368 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2017. Phế liệu giấy nhập khẩu đạt lượng 2,068 triệu tấn, tăng trưởng 66,6%.

Tuy nhiên, số liệu tổng hợp cũng chỉ ra cơ cấu ngành giấy còn khá nhiều bất cập. Với giấy in và viết, năng lực sản xuất không tăng, sản xuất đã đạt tới 97% năng lực, nhưng vẫn phải nhập khẩu tới 483.000 tấn (chủ yếu là giấy in và giấy photocopy chất lượng cao) gấp gần 1,5 lần năng lực sản xuất hiện tại và nhu cầu vẫn tăng trưởng với mức 3%/năm.

Với giấy bao bì, so với năm 2017, năng lực sản xuất loại giấy thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) tăng rất nhanh lên tới 42%, sản xuất cũng tăng tới 37% để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao 20% và xuất khẩu, nhưng cũng chỉ mới sử dụng chưa tới 70% năng lực hiện có. Xuất khẩu tăng tới 99% và đạt kỷ lục 641.000 tấn, nhưng nhập khẩu cũng lần đầu tiên đạt tới con số hơn 1,4 triệu tấn. Xuất khẩu giấy bao bì năm 2018, hầu hết là giấy lớp mặt và lớp sóng đi thị trường Trung Quốc (431.000/641.000 tấn), tập trung từ tháng 3 đến tháng 8, sau đó giảm nhanh cả về số lượng và đơn giá, do nhu cầu giấy bao bì tại Trung Quốc giảm mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự cạnh tranh mạnh từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ.

Nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan chủ yếu là giấy bao bì có tráng phủ với tổng số lượng gần triệu tấn và nhu cầu tăng trưởng cao trong tương lại; nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan chủ yếu là giấy bao bì thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) và giấy in, giấy photocopy chất lượng cao. Điều này cho thấy sự mất cân đối rất lớn trong đầu tư sản xuất các loại giấy này.

Giấy tissue có nhu cầu sử dụng tăng 6%, nhưng xuất khẩu tăng tới 20% so với 2017 cũng là một sản phẩm có triển vọng tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, chúng ta đang là nước xuất khẩu dăm mảnh hàng đầu thế giới, nhưng lại phải nhập khẩu một lượng lớn bột giấy.

Đầu tư FDI vào ngành giấy Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 2 năm 2017, 2018 và hiện chiếm tới gần 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các loại giấy bao bì thông thường (giấy lớp mặt và lớp sóng) với nhiều lợi thế vượt trội và đang gây nên hiện tượng cung vượt cầu đối với loại giấy này, nhưng xu hướng vẫn tiếp tục được đầu tư mạnh, tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến đến năm 2022, khi các dự án đã được cấp phép đi vào hoạt động, sản lượng của các doanh nghiệp FDI sẽ chiếm trên 60% sản lượng cả nước. Điều này tạo ra áp lực vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhiều khả năng thị trường sẽ chịu sự chi phối mạnh của các doanh nghiệp FDI.

Ảnh hưởng chính sách chưa phù hợp

Từ tháng 05 năm 2018, đã có hiện tượng tồn đọng rất nhiều container phế liệu tại các cảng biển nước ta do không có người nhận hoặc người nhận không đủ điều kiện để được nhập khẩu và Thủ tướng đã chỉ đạo nhanh chóng xử lý tháo gỡ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã tỏ ra lúng túng và kém hiệu quả trong việc xử lý dẫn đến việc tồn đọng không những không được giải quyết mà còn tăng thêm, đồng thời gây ra không ít khó khăn và ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Việc thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 09 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và Công văn số 5943/BTNMT-TCMT ngày 26 tháng 10 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hiện đang gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Thời gian làm thủ tục kéo dài làm phát sinh chi phí lưu container/lưu bãi rất lớn tại các cảng. Chỉ riêng với ngành giấy: phí lưu container, lưu bãi đã lên tới hàng trăm tỷ đồng; nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu dẫn đến bị khách hàng phạt, tâm lý người lao động bất an; chi phí sản xuất tăng cao, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực ngay trên sân nhà,… Ngoài ra, khó khăn trong việc kiểm định nhập khẩu và tồn đọng quá nhiều container tại các cảng gây thiếu hụt, mất cân đối container trong vận chuyển của các hãng tàu, làm cho cước vận chuyển đến Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,…

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 30/11/2018, tổng số container đang lưu giữ tại các cảng biển là 20.596 container, trong đó tại cảng Hải Phòng và cảng Cát Lái (TP.HCM) là 12.357 containers (so với thời điểm 25/07/2018 theo số liệu của Tổng cục Hải quan tồn đọng tại hai cảng này là khoảng 5.000 container).

Tác động trực tiếp và mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc và khu vực

Ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã rất mạnh tay trong việc kiểm soát nhập khẩu phế liệu, trong đó có cả giấy thu hồi các loại và cho đóng cửa một loạt các nhà máy giấy không đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, gây nên tình trạng thiếu hụt tức thời nguyên liệu sản xuất giấy, cũng như đã đẩy giá giấy thành phẩm lên cao và buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, đã tạo ra hiện tượng dư thừa giấy thu hồi trên thị trường thế giới (năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 18,2 triệu tấn, giảm hơn 7 triệu tấn so với năm 2017), nguồn dư đó đổ về các nước châu Á khác với giá rẻ hơn nhiều so với các năm trước và Việt Nam cũng được hưởng lợi.

Đồng thời, đã xuất hiện làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài để sản xuất giấy bao bì và bột giấy tái chế thương phẩm từ nguyên liệu giấy thu hồi về lại Trung Quốc, mà Việt Nam là một trong số ít được lựa chọn hàng đầu.

Thêm vào đó, ngành giấy Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh rất mạnh của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và cả Ấn Độ trong thu hút đầu tư và xuất khẩu sản phẩm giấy tái chế, nhờ lợi thế về kinh nghiệm, khả năng chế tạo thiết bị và cả việc chính phủ các nước này có chính sách thuận lợi đối với việc nhập khẩu nguồn giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất.

Ngoài ra, phải kể đến những bất lợi rõ rệt do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Hàng hóa của Trung Quốc khó xuất được qua Mỹ vì thuế cao, sẽ tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra nguy cơ Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc. Thị trường hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn, gồm có các sản phẩm sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp giấy.

Năm 2019, nhiều cơ hội và không ít thách thức

Cũng trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: Chúng ta bước vào năm 2019 trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với ảnh hưởng sâu nặng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung; biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng nặng nề; nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và những khó khăn, thách thức lớn. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn mà các cấp, các ngành và khu vực kinh tế trong nước cần vượt qua để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả. Ngoài ra, hàng loạt những khó khăn mà ngành công nghiệp giấy nước ta đang phải đối diện ở phía trước, điển hình là chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như: lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước…

Chính phủ sẽ tập trung phát triển kinh tế, chú trọng củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ hơn nữa các chính sách kinh tế vĩ mô; kiểm soát bội chi không quá 3,6% GDP. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh. Rà soát, có các giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực được xác định là động lực tăng trưởng như: công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch, dịch vụ và phát triển đô thị… Tập trung ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường.

Ngành giấy không nằm trong kế hoạch ưu tiên của Chính phủ, nhưng cũng sẽ được hưởng lợi từ sự ổn định kinh tế vĩ mô, từ tốc độ tăng trưởng cao của hầu hết các ngành có nhu cầu sử dụng nhiều bao bì giấy như: gia công, lắp ráp thiết bị điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, chế biến nông thủy sản,… Nhưng đồng thời, cũng cần hết sức quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường.

Mức độ sử dụng giấy bình quân đầu người hiện khoảng 51kg/người, so với mức trung bình thế giới là 58kg/người. Theo dự báo của VPPA trong 5-10 năm tới, nhu cầu giấy các loại sẽ tăng từ 8-10%/năm, riêng giấy bao bì có thể tăng tới 15-18%/năm

Xu hướng phát triển và định hướng đầu tư

Dự báo năm 2019, tiêu thụ giấy và bìa giấy tăng trưởng khoảng 12%; dự kiến xuất khẩu giấy các loại và thành phẩm từ giấy tăng trưởng 35%, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 1,45 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng trọng điểm xuất khẩu sử dụng bao bì giấy có dư địa tăng trên 10%, sử dụng giấy và bìa giấy gia công xuất khẩu mạnh do có nhiều năng lực đầu tư mới đưa vào sản xuất trong năm 2019. Sản xuất giấy và bìa giấy tăng trưởng khoảng 30%, chủ yếu vẫn là giấy làm bao bì do huy động hiệu suất tối đa của các doanh nghiệp FDI và năng lực mới đưa vào sản xuất. Nhập khẩu không có sự thay đổi nhiều về lượng so với năm 2018, tăng trưởng mạnh giấy bìa tráng phủ và giấy tissue, giảm đối với giấy các tông lớp mặt và lớp sóng.

Trong thời gian tới, ngành công nghiệp giấy có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với lộ trình miễn thuế nhiều mặt hàng xuống 0% (trong đó có nhiều mặt hàng sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp giấy trong sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực dệt may, da giầy). Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018 cũng sẽ giúp các ngành công nghiệp sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp giấy tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. EU luôn được đánh giá là thị trường “màu mỡ” đối với các sản phẩm tiêu dùng nói chung, do đó, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, gia tăng sản xuất. Bên cạnh đó, khả năng Hoa Kỳ sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong ngành giấy Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ…

Nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng và ổn định, kéo theo sự tăng trưởng ổn định của các sản phẩm xuất khẩu có sử dụng nhiều bao bì giấy. Đóng góp rất quan trọng vào giá trị xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, đặc biệt các ngành sử dụng nhiều bao bì trong sản phẩm xuất khẩu. Theo ước tính, năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 240 tỷ USD, trong đó chỉ riêng 4 ngành sử dụng nhiều bao bì giấy là dệt may, da giày, thủy sản và linh kiện điện tử-điện thoại đã đạt khoảng 110 tỷ USD, cho thấy bao bì giấy trong sản phẩm xuất khẩu chiếm một tỷ trọng rất quan trọng.

Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách của các nước trong khu vực đối với ngành giấy (đặc biệt là sự thay đổi chính sách của Trung Quốc) cũng là cơ hội rất tốt ngành giấy phát triển trong những năm tới nếu chúng ta tận dụng hiệu quả những thay đổi này.

Thứ nhất, các chính sách của Trung Quốc cho thấy xu hướng chuyển dịch rõ rệt: chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ưu tiên các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn làm động lực cho nền kinh tế, giảm tự sản xuất trong nước và tăng nhập khẩu các sản phẩm. Điều này mở ra nhu cầu lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp ngành giấy.

Thứ hai, khi các chính sách có hiệu lực từ 2018, các hoạt động tích trữ thùng sóng cũ (OCC) sẽ giảm dần. Giá OCC ổn định trở lại sẽ giúp nâng cao biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì, khi mà nguồn nguyên liệu đầu vào là giấy OCC chiếm đến trên 60% trong cấu trúc chi phí sản xuất.

Trong dài hạn (5-10 năm tới) các chính sách của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp giấy tại Việt Nam nếu chúng ta tận dụng hiệu quả sự thay đổi này.

Thứ ba, thế giới đã có xu hướng sử dụng bao bì giấy thay cho bao bì nhựa từ nhiều năm qua. Hàn Quốc được biết đến là quốc gia tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần lớn nhất thế giới, đạt mức 98,2 kg/người/năm (theo báo cáo chính phủ Hàn Quốc năm 2016), cũng đã chính thức cấm sử dụng túi nilon từ ngày 01/01/2019 và khuyến khích sử dụng các sản phẩm giấy.

Do vậy, nhu cầu về sử dụng giấy các loại, đặc biệt là giấy bao bì sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là tại Việt Nam khi mức độ sử dụng giấy bình quân đầu người hiện khoảng 51kg/người, so với mức trung bình thế giới là 58kg/người. Theo dự báo của VPPA trong 5-10 năm tới, nhu cầu giấy các loại sẽ tăng từ 8-10%/năm, riêng giấy bao bì có thể tăng tới 15-18%/năm.

Đây là cơ hội tốt cho sự phát triển của ngành giấy Việt Nam và đi kèm theo đó chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất giấy, như đã từng xảy ra với Trung Quốc giai đoạn 2000-2005.

Nhằm phát triển bền vững trong tương lai, ngành giấy cần định hướng đầu tư trọng tâm các vấn đề sau:

Tăng cường năng lực sản xuất bột giấy từ nguồn nguyên liệu dăm mảnh trong nước hiện đang xuất khẩu tới hơn 10 triệu tấn/năm.

Đầu tư cho sản xuất giấy in và photocopy chất lượng cao thay thế nhập khẩu.

Cần đánh giá thận trọng khi đầu tư sản xuất giấy bao bì. Vì hiện tại, tính theo công suất thì cung đã vượt nhu cầu nội địa, nhưng cũng có gần 2 triệu tấn công suất giấy bao bì từ các máy xeo nhỏ lạc hậu, tiêu hao nguyên liệu, năng lượng cao, chất lượng thấp sẽ bị thay thế, cộng với nhu cầu về loại giấy này sẽ tăng nhanh trong các năm tới.

Giấy tissue hiện tại thị trường có tiềm năng, song cũng có nhiều dự án đang ấp ủ hoặc chuẩn bị khởi công với những máy giấy tissue hiện đại có quy mô vừa và lớn. Những người đi trước sẽ thành công, nhưng những người đi sau thì cần đánh giá thận trọng khi quyết định đầu tư.

Vấn đề xử lý nước thải cần được quan tâm tính toán kỹ lưỡng, đầu tư thỏa đáng để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và đây cũng là mục tiêu quản lý của Chính phủ trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Với các công ty có quy mô nhỏ có thể tìm các sản phẩm ngách để sản xuất, nhưng cần cải tạo để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị, gia tăng giá trị sản phẩm. Với đầu tư mới cũng cần được tư vấn đầy đủ về máy móc, công nghệ hiện đại và quản trị tiên tiến.

Một số đề xuất, kiến nghị về chính sách

Để đạt được các mục tiêu trên, chính sách của Chính phủ, các quy định pháp luật của Nhà nước để hỗ trợ cho ngành có vai trò vô cùng quan trọng, do vậy, ngay trong năm 2019, chúng ta cần tập trung kiến nghị chính sách đối với các vấn đề sau:

Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 thay cho “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025” theo nội dung Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 – 2020, xét đến năm 2025 làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành giấy khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào 01/01/2019 để giúp cho ngành giấy phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững.

Xây dựng chính sách quy định, định hướng và phân vùng đầu tư, tận dụng tối đa được lợi thế về địa lý và nguyên liệu sản xuất, tránh việc đầu tư quá tập trung tại một hoặc một số địa phương, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ đầu tư của các dự án, dẫn đến quá tải về cơ sở hạ tầng. Cấp phép đầu tư mới cần xem xét với từng dự án cụ thể, không cấp phép dự án có quy mô quá lớn và thực hiện nhiều giai đoạn trong thời gian dài như trước đây. Đồng thời, khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tại các khu vực có điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp.

Tập trung giải quyết sớm vấn đề thiếu hụt nguyên liệu cho ngành giấy chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian gần, bằng cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành giấy trong việc nhập khẩu hàng hóa làm nguyên liệu sản xuất, đặc biệt trong việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất. Kiến nghị Chính phủ tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất, coi đây là hàng hóa thông thường làm nguyên liệu sản xuất, không phải phế liệu như hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với ngành công nghiệp giấy, từ đó hiểu rõ ngành công nghiệp giấy là một trong những ngành sản xuất tuần hoàn, có tính tái tạo cao và có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với sự phát triển của nhiều ngành như lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì và cơ khí chế tạo.

Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm trong ngành, đặc biệt về thu gom và tái chế giấy. Từ đó, nghiên cứu hoàn thiện chính sách phát triển ngành nói chung và nhập khẩu nói riêng theo xu hướng của các nước phát triển đối với ngành công nghiệp giấy.

Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.

Kiến nghị Quốc hội xây dựng và sớm ban hành “Luật Khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên tái chế” hay là “Luật Khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên” để nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế trong nước, hạn chế dần việc nhập khẩu.

 “Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý đối với ngành công nghiệp giấy của các nước trong khu vực, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu của Việt Nam để đưa được ra chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan nhà nước có liên quan tham vấn các doanh nghiệp có quan điểm khách quan hơn để dần hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết” – Ông Đậu Anh Tuấn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khuyến nghị tại Hội thảo giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy Việt Nam do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 16 tháng 10 năm 2018).

Tin Tổng hợp



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons