Phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Trong số những ngành sản xuất công nghiệp, ngành Giấy là một trong những ngành sản xuất nguyên liệu quan trọng, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, cần nhiều vốn, công nghệ cao và có quy mô sản xuất lớn. Ngành Giấy có thị trường rất rộng và hợp tác với nhiều ngành như lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì và chế tạo thiết bị. Bên cạnh đó, các loại xơ sợi thực vật tự nhiên từ gỗ, tre nứa, sậy và xơ sợi tái chế như giấy loại được sử dụng làm nguyên liệu thành giấy là một nguồn tài nguyên tái chế rất dồi dào, góp phần rất lớn vào tiết kiệm tài nguyên rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giữ vững cấu trúc hệ sinh thái, bảo vệ nguồn nước, địa chất, khí hậu, thủy văn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp Giấy cũng là một trong những ngành phát thải một lượng chất thải khá lớn. Để giải quyết vấn đề đó, theo đề án  “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến 2020, có xét đến 2025” của Bộ Công Thương có chỉ rõ các biện pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Về công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trong công nghiệp sản xuất bột giấy và giấy đối với các dự án đầu tư mới và nâng cấp cải tạo, bao gồm cả công nghệ sinh học, công nghệ về nhiên liệu sinh học (biomass) và công nghệ nano, triển khai ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn đối với các nhà máy đang vận hành, triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn, tái sử dụng nước, khép kín dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nghiên cứu triển khai ứng dụng và đưa vào sản xuất các loại giấy các-tông kỹ thuật cao dùng trong công nghiệp và dân dụng, nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước đang bị ngành giấy bỏ ngỏ hiện nay, hạn chế nhập khẩu; tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu năng lượng, nâng cao hiệu quả thu gom và tái chế giấy loại (OCC và DIP) nhằm tiết kiệm tài nguyên rừng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Dự kiến, tổng vốn đầu tư mới và mở rộng đến 2025 của Ngành sẽ đạt 12,897 tỷ USD, công suất các nhà máy bột giấy sẽ là 5.505.000 tấn/năm và công suất nhà máy giấy sẽ là 10.528.000 tấn/năm, đủ sức đáp ứng cho việc sản xuất 5.800.000 tấn giấy phục vụ 80-83% nhu cầu thị trường trong nước.

Về trồng rừng, với tổng vốn trồng rừng và bảo vệ rừng gần 52.373 tỉ đồng, đến năm 2025 sẽ tạo lập được 8 vùng nguyên liệu giấy ổn định với diện tích là 984.575 ha rừng kinh doanh nguyên liệu giấy. Theo đó, Đề án sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy trong nước từ 70-80%, nhằm cải thiện môi trường ngành Giấy nước ta, song cũng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sinh thái. Với việc trồng 984.575 ha rừng để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột giấy sẽ tạo một động lực mạnh mẽ và tích cực lên điều kiện tự nhiên về địa lý, địa chất, khí tượng, thủy văn và các thành phần môi trường tự nhiên khác như đất, nước, không khí, hệ sinh thái, cảnh quan, môi trường sống cho dân cư. Phát triển vùng nguyên liệu giấy góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng, cùng với hệ thống rừng cả nước bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai lũ lụt, hạn hán và xói mòn đất, đảm bảo phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Đề án đưa ra giải pháp về thực hiện các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường của Dự án; dành đủ nguồn lực cho việc đầu tư các Dự án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải từ các nhà máy tới các khu công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng tích lũy, hình thành nguồn vốn hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Như vậy việc Quy hoạch phát triển ngành Giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến 2025 có ý nghĩa định hướng và tạo đà thúc đẩy ngành Giấy phát triển phù hợp với nhu cầu, năng lực và tiềm năng, kết hợp hài hòa với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

BBT

 



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons