04 Th1 Phối hợp chống hàng giả, hàng nhái trong ngành giấy
Mặc dù không phải là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu, nắm giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, song các sản phẩm đại diện của ngành giấy lại là những sản phẩm thiết yếu cho các ngành kinh tế khác và trong đời sống sinh hoạt, tiêu dùng của người dân. Giấy bao bì là mặt hàng thiết yếu, được ví như “xăng dầu” của ngành bao bì, góp mặt trong hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: may mặc, điện tử, đồ gỗ, thủy sản, da giày…. Giấy in, giấy viết là nền tảng phát triển văn hóa: văn hóa phẩm, báo chí, sách giáo khoa, sách truyện, giấy vở – sổ học sinh… Giấy tissue (khăn ăn, giấy vệ sinh, giấy y tế…) phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân và ngành y. Tuy nhiên, mặt hàng giấy và các sản phẩm từ giấy thường xuyên bị làm giả, nhất là giấy tissue và vở-sổ học sinh.
Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam – cho biết, các doanh nghiệp sản xuất tập vở sổ như Văn Phòng Phẩm Hồng Hà; sản phẩm từ giấy tissue như Xương Giang, Sông Đuống, Thuận Phát, sản phẩm đều bị làm giả, làm nhái từ rất lâu, có địa bàn hàng giả hoặc nhái chiếm đến 50%. Có nhãn hàng vừa giới thiệu ra thị trường đã bị làm nhái. Thậm chí, một số địa phương chưa thiết lập đại lý bán hàng nhưng ở đó đã bán hàng giả và hàng nhái.
Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phát biểu
“Hàng giả hiện nay làm giả rất tinh vi như hàng thật, chỉ có nhà sản xuất mới phân biệt được là hàng thật và hàng giả”- ông Đặng Văn Sơn cho hay.
Thậm chí, có cơ sở sản xuất giả dùng giấy tái sinh, làm mặt lớp trên của giấy là sản phẩm của đơn vị tốt, còn mặt dưới là dùng giấy tái sinh rất nguy hiểm, sau đó đưa ra thị trường và giá chỉ bằng 50-60% giá giấy của các công ty chân chính.
Thực trạng này khiến doanh nghiệp và thương hiệu bị mất uy tín, mất thị trường, giảm doanh thu, có khả năng phá sản. Thậm chí, người tiêu dùng bị lừa dối sử dụng sản phẩm không xứng với giá trị dẫn đến quay lưng với sản phẩm chính hãng.
“Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tự mình thực hiện hoạt động nghiệp vụ chống hàng nhái, hàng giả trong ngành giấy. Chính vì vậy, việc phối hợp với Tổng cục QLTT thực sự cần thiết, nhằm tăng cường công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm và gian lận thương mại. ” – ông Đặng Văn Sơn cho hay.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT phát biểu
Phát biểu tại Lễ ký, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT đánh giá cao sự chủ động của Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam trong việc đề nghị phối hợp với lực lượng QLTT để bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp trong ngành giấy và bột giấy tại Việt Nam. “Việc ký kết thể hiện sự quyết tâm của các DN trong công tác phòng chống hàng giả” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Hiện nay, giấy là mặt hàng khó phát hiện hàng giả bằng mắt thường, cảm quan, trong khi đó, sản xuất ra sản phẩm giấy lại quá dễ dàng, giá trị mặt hàng giấy lại thấp, nên nhiều đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái rất nhiều. “Điều này càng cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị hậu kiểm, cùng đi với nhau thì mới phát hiện được hàng giả. Đặc biệt, hai bên cần có sự trao đổi liên lạc thường xuyên, khi doanh nghiệp giấy phát hiện bất kỳ sản phẩm nào bị làm giả thì thông báo ngay,rõ ràng cho lực lượng QLTT để kịp thời xử lý”- ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam – cho biết việc ký kết này có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp giấy
Về phía Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, ông Nguyễn Việt Đức– Chủ tịch Hiệp hội – cho biết, việc ký kết này có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp giấy. Sau khi ký quy chế, Hiệp hội sẽ tổ chức kết nối với doanh nghiệp trong ngành giấy, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có thương hiệu lớn để xử lý việc này. “Hy vọng quy chế được ký kết và có hiệu lực thi hành sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong ngành giấy và bột giấy Việt Nam phát triển bền vững” – ông Đức kỳ vọng.
Quy chế phối hợp sẽ giúp Tổng cục QLTT có những thông tin kịp thời về tình hình thị trường mặt hàng giấy và các sản phẩm về giấy, đấu tranh chống hàng giả và gian lận thương mại trong hoạt động kinh doanh giấy và các sản phẩm về giấy các loại nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLTT lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Theo đó, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam có trách nhiệm thông tin cho Tổng cục QLTT về tình hình, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nước, thông tin về buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm nhãn mác, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong kinh doanh giấy và các sản phẩm giấy trên thị trường nội địa, cung cấp tình hình, tư liệu giúp cho việc xác minh các vụ việc.
Bên cạnh đó, thông tin, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam liên quan đến công tác quản lý thị trường.
Định kỳ hàng năm, hai bên tổ chức các hội nghị giao ban để kịp thời trao đổi thông tin, đánh giá tình hình phối hợp và bàn định hướng hoạt động bổ sung các nội dung phối hợp phù hợp với thực tiễn thi hành và thống nhất phương hướng phối hợp kỳ tiếp theo./.
Theo VPPA