Tại sao giấy có thể làm đứt tay?

Tại sao giấy có thể làm đứt tay?

Những tờ giấy mỏng manh nhưng lại có thể làm tay bạn bị chảy máu và bị đau. Tại sao lại như vậy?

Bạn hãy quan sát kỹ cạnh của tờ giấy. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy cạnh giấy rất thẳng và trơn tru. Nhưng nếu phóng to, bạn sẽ nhận thấy mép giấy giống hình lưỡi cưa hơn lưỡi dao. Do  vậy, giấy như một lưỡi cưa rất mỏng dễ dàng cứa vào da tay bạn và làm bạn nhói đau. Thường thì đứt tay do các cạnh sắc của giấy rất đau, đặc biệt là các tờ giấy mới lấy ra từ máy photocopy hay máy in còn nóng. Lý do chính là bởi vì bạn thường bị đứt tay do giấy cắt ở đầu ngón tay, nơi tập trung nhiều các tế bào thần kinh hơn hẳn chỗ khác. Theo tiến sĩ Hayley Goldbach, bác sỹ da liễu tại đại học California, mặc dù vết cắt do giấy trên cánh tay, bắp đùi, hay mắt cá chân có thể gây phiền toái nhưng không gây đau buốt bằng vết thương ở đầu ngón tay. Ông giải thích: “Đầu ngón tay là nơi có xúc giác nhạy cảm nhất giúp chúng ta cảm nhận sự vật bên ngoài. Vậy nên rất nhiều mút thần kinh tập trung ở đây. Đây là một loại cơ chế an toàn”.

Lý do thứ hai giải thích cho sự đau đớn này là nếu so sánh với dao, kéo hay các vật sắc nhọn khác thì giấy mềm hơn rất nhiều. Chính sự mềm mại này, khi giấy làm đứt tay bạn, nó sẽ làm các vùng xung quanh vết đứt tổn thương nhiều hơn là dao, kéo. Điều này cũng giống như một con dao sắc sẽ tạo ra một vết cắt ngọt.

Cạnh giấy rất thẳng và trơn tru nhưng có thể cứa tay bạn

Lý do cuối cùng khá nghịch lý là vết cắt do giấy thường là vết cắt nông. Nông thì phải ít đau hơn chứ? Nhưng trên thực tế, vết cắt nông này ít chảy máu và làm thịt cùng các tế bào thần kinh của bạn bị phơi ra ngoài không khí, tạo ra cảm giác đau nhiều hơn. Đồng thời, các chất hóa học còn sót lại trong khi tạo ra giấy cũng có thể làm bạn đau đớn.

Để giải quyết vết cắt này, hãy bóp nhẹ ngón tay để đánh lừa cảm giác đau và sau đó, hãy dùng băng để buộc kín vết thương lại.

ĐQ tổng hợp

 



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons