25 Th12 “Vũ khí” công nghệ giúp logistics Việt Nam cạnh tranh
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang chạy đua ứng dụng công nghệ nhằm giảm chi phí, giảm thời gian giao hàng.
Chạy đua ứng dụng công nghệ
Trung bình thời gian làm thủ tục thông quan một container nông sản tại cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) mất khoảng 4-5 ngày. Mỗi ngày chờ đợi, chi phí bến bãi, xăng dầu, sinh hoạt… mất hàng triệu đồng/xe. Nhưng giờ đây, khi Công viên Logistics Viettel đi vào hoạt động, Hệ thống dữ liệu tại Công viên được chuẩn hóa và kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc, đảm bảo tối ưu quy trình vận hành, giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giảm chi phí thông quan 30-40%, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng, lên 4-5 chuyến/tháng.
“Nếu như trước đây, chúng tôi mất 3-4 ngày để thông quan một lô hàng, thì hiện nay, với các thủ tục kết nối thành chuỗi khép kín, công nghệ hiện đại, thủ tục thông quan rút xuống còn 1 ngày. Việc tiết kiệm 2 ngày vô cùng quan trọng, nhất là đối với hàng nông sản, tiết kiệm thời gian chính là tiết kiệm chi phí”, ông Bùi Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Vietnox Agri cho biết.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Viettel Post, Công viên Logistics được đầu tư hàng loạt công nghệ mới nhất, hiện đại nhất như IoT, 5G, AI, Big Data và Digital Twins (bản sao số) và tự động hóa (Smart Locker – khóa thông minh, thiết bị bay không người lái drone, xe tự hành), nhằm nâng cao năng lực vận hành, rút ngắn thời gian, đảm bảo an toàn hàng hóa.
Hàng loạt doanh nghiệp logistics khác cũng đang nỗ lực ứng dụng công nghệ. Điển hình như Tập đoàn T&T ứng dụng AI trong tự động hóa, robot vận hành kho bãi và các giải pháp quản lý vận chuyển tại cảng logistics chiến lược Việt Nam SuperPortTM. Trong đó, công nghệ ASRS có thể tối ưu hóa không gian lưu trữ hàng hóa lên đến 7 lần và giảm thiểu 95% thời gian vận chuyển hàng hóa trong kho. Hay drone chỉ mất 12 phút để hoàn thành việc kiểm đếm (trong khi trước đó cần đến 2 người và phải mất tới 1 ngày để kiểm đếm)…
“Bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như tự động hóa tích hợp AI và blockchain, Việt Nam SuperPortTM đang nâng cao năng lực logistics của Việt Nam và tiên phong trong đổi mới chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN”, ông Đỗ Quang Hiển, nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban chiến lược Tập đoàn T&T chia sẻ.
Tương tự, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn ứng dụng hàng loạt công nghệ mới như AI, trợ lý ảo, học máy (Machine Learning)… giúp xe chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container; tiết kiệm khoảng 30.000 – 50.000 tờ giấy/ngày, giảm 3.000 – 5.000 xe/ngày ra vào cảng làm thủ tục hành chính; cắt giảm 45% nhân sự trong khi vẫn duy trì sản lượng như cũ.
Đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện chi phí logistics của nước ta ở mức 16,8-17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới. Nếu ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics, giúp doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho biết, 68% doanh nghiệp logistics vừa và lớn đã ứng dụng IoT trong quản lý kho và vận tải; 52% doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp Big Data và AI trong dự báo nhu cầu và tối ưu hóa tuyến đường; 35% đã thử nghiệm công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng.
Kết quả ứng dụng cho thấy, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ số đã giảm được trung bình 23% chi phí logistics so với phương pháp truyền thống. Thời gian xử lý đơn hàng giảm 35% nhờ tự động hóa.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel chia sẻ, logistics hiện đóng góp 5 – 6% GDP của Việt Nam và đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Song, chúng ta vẫn đối mặt với những thách thức lớn như chi phí cao, hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải. Hạ tầng logistics mà Viettel Post đang kiến tạo có sứ mệnh là nền tảng để hình thành mạng lưới logistics hiện đại, đồng bộ, giúp kết nối hàng hóa của Việt Nam từ sản xuất, tiêu thụ nội địa đến xuất khẩu, tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Còn ông Cao Hồng Phong, Phó tổng giám đốc Gemalink khẳng định, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng của ngành logistics, mà còn là yếu tố sống còn để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Số hóa và tự động hóa đóng vai trò then chốt, mang lại hiệu quả vượt trội, giúp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ mới vào ngành logistics tại Việt Nam chưa đồng đều, chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ, còn các doanh nghiệp nhóm vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế. Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp nên ứng dụng công nghệ ngay từ bây giờ, không phải chờ tới khi có tiền.
Nguồn: Báo điện tử Đầu tư