Xu hướng tiêu dùng xanh ở một số quốc gia trên thế giới

Xu hướng tiêu dùng xanh ở một số quốc gia trên thế giới

Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới đang dần dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững.

Ảnh minh họa (Nguồn: vneep) 

Tiêu dùng xanh có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên.

Tiêu dùng xanh xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người.

Xuất phát từ sự gia tăng mối quan tâm đối với các sản phẩm xanh trên toàn cầu, nhiều công ty đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường và thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường. Chính phủ các nước cũng đang nỗ lực đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy tiêu dùng xanh. Hầu hết các quốc gia đang phát triển ở châu Á đã xây dựng các bộ luật bảo vệ môi trường. Số lượng người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sinh thái thân thiện gần đây cho thấy thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường đang mở rộng.

Trung Quốc có khởi đầu tương đối muộn về tiêu dùng xanh song đã có những bước tiến đáng kể. Trong những năm gần đây, sự quan tâm của người dân đối với môi trường đã được cải thiện. Chính phủ đã đầu tư không ít trong việc bảo vệ, cải thiện môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Năm 1993, Trung Quốc lần đầu tiên thành lập chương trình gắn nhãn sinh thái cho các sản phẩm. Đến nay, trong hệ thống chứng nhận sản phẩm xanh ở Trung Quốc đã có hàng chục chủng loại, như thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, đèn chiếu sáng, ô tô và nhiều mặt hàng khác.

Tại châu Á, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong phong trào bảo vệ môi trường nói chung và tiêu dùng xanh nói riêng. Các quy định liên quan tới chương trình phát triển xanh lần đầu tiên được Chính phủ Nhật ban hành năm 1990; đến năm 2001, Chính phủ thông qua luật thúc đẩy mua sắm xanh, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên ban hành chính sách về mua sắm xanh.

Chính sách này yêu cầu tất cả các Bộ và cơ quan Chính phủ phải thực hiện chính sách mua sắm xanh. Về luật mua sắm xanh công cộng, mục đích là để thúc đẩy việc mua các sản phẩm và dịch vụ xanh trong khu vực công ở cả cấp trung ương và địa phương. Những thông tin về sản phẩm và dịch vụ xanh cung cấp cho khách hàng cũng được tăng cường thông qua bộ luật này. Với việc mua sắm xanh, chính quyền trung ương xác định và công bố một chính sách mua sắm với các chỉ tiêu trên những loại sản phẩm và dịch vụ mỗi năm. Nhật Bản cũng đã có các chính sách về tái chế bao bì và vật liệu đóng gói.

Năm 1995, bộ luật Tái sử dụng bao bì “Containers/Packaging Recycling Act” được thông qua nhằm thúc đẩy tái chế các loại thùng chứa và bao bì đóng gói sản phẩm, bao gồm khoảng 60% khối lượng chất thải trong các hộ gia đình ở Nhật Bản. Theo bộ luật này, người tiêu dùng cần phân loại các vật liệu, sau đó cơ quan chức năng thành phố sẽ thu thập và giao lại cho các công ty được chỉ định để thực hiện tái chế.

Tháng 2/1996, Mạng lưới tiêu dùng xanh (Green Purchasing Network) được thành lập bởi Bộ Môi trường, mục đích nhằm thúc đẩy mua sắm xanh ở Nhật Bản thông qua việc cung cấp thông tin và hướng dẫn trong việc thực hành mua sắm xanh. Tính đến nay, mạng lưới đã đưa ra rất nhiều hoạt động như: hội thảo, triển lãm xanh, giải thưởng “Mua sắm xanh”, dữ liệu thông tin sản phẩm… và đạt được những thành công nhất định. Kết quả là, tất cả các cơ quan chính phủ trung ương đều thực hiện mua sắm xanh, 100% các cơ quan chính quyền ở 47 tỉnh và 12 thành phố được chỉ định mua sắm xanh.

Theo một cuộc khảo sát năm 2003, 52% trong số 722 nhà cung cấp xác nhận doanh số bán hàng sản phẩm xanh đã gia tăng trong những năm qua, quy mô thị trường trong nước của các sản phẩm xanh ước tính lên tới 50 nghìn tỷ yên, sự quan tâm của khách hàng tới sản phẩm xanh cũng tăng lên đáng kể.

Hàn Quốc cũng là quốc gia thực hiện và áp dụng các chính sách về mua sắm xanh từ rất sớm. Điểm khởi đầu chính thức của chính sách về sản phẩm xanh tại Hàn Quốc là chương trình dán nhãn môi trường được triển khai từ năm 1992. Ngoài ra, Chính phủ đã có các nghiên cứu nhằm liên kết hệ thống dán nhãn môi trường với hệ thống mua sắm công cộng và đạt được những kết quả rõ rệt. Không chỉ vậy, Chính phủ luôn coi các nhà sản xuất là những nhà tiêu dùng lớn. Chính phủ đã thông qua các hợp đồng tự nguyện về mua sắm xanh, gắn kết việc mua các nguyên liệu xanh, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và bán ra các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tổng khối lượng mua sắm xanh của tất cả các tổ chức công cộng ở Hàn Quốc đạt khoảng 2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2013, tăng 2,6 lần so với năm 2005. Ngay từ năm 2005, bộ luật khuyến khích mua các sản phẩm và dịch vụ xanh đã được Bộ Môi trường thông qua, mục đích nhằm nuôi dưỡng thị trường sản phẩm xanh bằng cách kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm xanh cũng như tạo thuận lợi trong việc tiếp cận sản phẩm xanh của người tiêu dùng. Bộ luật được xem là cơ sở để thực hiện thu mua xanh, tình nguyện trong việc thực hiện kinh doanh xanh.

Ngoài ra, cứ 5 năm, Bộ Môi trường được ủy thác thiết lập các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy mua sắm xanh. Kế hoạch hành động được xây dựng với sự tham vấn của các tổ chức công cộng có liên quan để đưa ra mục tiêu và chiến lược trung hạn cho việc quảng bá các sản phẩm xanh.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã hợp tác với các công ty thẻ tín dụng để đưa ra một hệ thống khuyến khích những người có ý thức tiêu dùng xanh: Thẻ tín dụng xanh (The Green Credit Card). Thẻ tín dụng xanh là một phương tiện để tích lũy và sử dụng điểm sinh thái khi khách hàng chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày, hiện đã thu hút hơn 9 triệu người sử dụng.

Ngoài ra, Chính phủ cho rằng nhãn sinh thái là một cách hiệu quả giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm xanh, vì vậy các chính sách ghi nhãn sinh thái được ban hành khá sớm (1990), mục đích nhằm cung cấp thông tin đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Hiện nay, nhằm tăng cường thông tin về độ thân thiện với môi trường của sản phẩm cho khách hàng, nhiều chính sách khác đã được thi hành như: Dán nhãn sinh thái, Gắn nhãn “dấu chân Carbon” (Carbon Footprint), Chứng nhận công trình xanh, Chứng nhận cửa hàng xanh…

Cùng với các chính sách trên, Chính phủ đang nỗ lực giúp người tiêu dùng nói chung hiểu rõ hơn các khái niệm về cuộc sống xanh và quảng bá sản phẩm xanh bằng cách nâng cao nhận thức cộng đồng. Hiện nay, 4 “Trung tâm cộng tác tiêu dùng xanh” đã được thiết lập, cung cấp các dịch vụ giáo dục về tiêu dùng xanh cho người tiêu dùng.

Mua sắm xanh ở Hoa Kỳ được thiết lập và triển khai thực hiện trong một số chương trình mua sắm xanh của Liên bang, trong đó các cơ quan điều hành được yêu cầu cân nhắc các tác động môi trường, giá thành và các yếu tố khác của một sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Theo quy định mua sắm Liên bang và Sắc lệnh 13101 về xanh hóa chính phủ, tất cả các cơ quan chính phủ phải thực hiện mua sắm các sản phẩm có thành phần tái chế nhằm khuyến khích việc sử dụng các vật liệu tái sinh.

Theo thống kê của cơ quan Cone Communications năm 2013, ở Hoa Kỳ có 71% người tiêu dùng quan tâm tới môi trường khi họ mua sắm, trong đó 7% quan tâm đến môi trường trong mọi lần mua sắm, 20% thường xuyên quan tâm đến môi trường và 44% quan tâm đến môi trường. Tại Hoa Kỳ, luật chính sách năng lượng năm 2005 tạo ra các ưu đãi để khuyến khích việc mua xe phát thải thấp. Theo đó, các ưu đãi về thuế đã thu hút khách hàng quan tâm tới các loại phương tiện có giá cao hơn nhưng thân thiện hơn với môi trường.

Các khoản thuế tín dụng đã được đưa ra để giảm giá lên đến 3.400 đô la Mỹ cho xe hybrid (xe lai) và 4.000 đô la Mỹ cho xe ô tô năng lượng thay thế. Ưu đãi về thuế có thể thay đổi dựa vào mức độ vận hành “xanh” của các loại xe. Ví dụ, Tesla Roadster, một loại xe chạy hoàn toàn bằng điện sẽ nhận được một khoản thuế tín dụng lớn hơn nhiều so với việc mua một chiếc xe hybrid tiêu chuẩn, vì xe hybrid sẽ gây ô nhiễm nhiều hơn trong thời gian vận hành. Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra các chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những loại xe tiết kiệm năng lượng.

Rainforest Alliance – một tổ chức phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ đang gây ảnh hưởng tới sự lựa chọn của người tiêu dùng bằng cách ghi nhãn sản phẩm (và hoạt động) bền vững về hoạt động lâm nghiệp và khai thác gỗ, bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế bền vững. Tổ chức này cũng làm việc với các doanh nghiệp du lịch để giảm thiểu những tác động bất lợi của họ đến sinh thái và xã hội. Rainforest Alliance chứng nhận sản phẩm nông nghiệp bao gồm cà phê, sô cô la, chuối, nước cam, các loại hạt và hàng trăm mặt hàng khác đến từ các trang trại thuộc các rừng nhiệt đới được bảo tồn.

Các chính sách khác như EMAS, GPP và ETAP nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và cơ quan công tham gia vào mua sắm xanh. Sau khi gặp phải một số rào cản trong việc quảng bá sản phẩm xanh ở các nước thành viên về phương diện phương pháp và cách thức áp dụng để chứng minh về các tiêu chí xanh của sản phẩm, các nước Liên minh châu Âu đã đưa ra dự án “Thị trường độc nhất cho sản phẩm xanh” (Single Market for Green Products).

Dự án này bao gồm một chuỗi các hoạt động: Dự án thiết lập 2 phương pháp để đo lường hiệu suất môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm PEF (Product Environmental Footprint) và OEF (Organisation Environmental Footprint). Bên cạnh đó, dự án đưa ra các chỉ tiêu khi báo cáo hiệu quả hoạt động đối với môi trường, chẳng hạn như sự minh bạch, rõ ràng, có thể tin cậy và so sánh…

Thêm nữa, sự hợp tác trong phương pháp phát triển giữa các nước trong khu vực cũng được hỗ trợ. Năm 1980, cuốn sách đầu tiên The Green Consumer Guide (Hướng dẫn tiêu dùng xanh) đã được xuất bản ở Anh với ý tưởng chủ đạo là trong xã hội hiện đại, “mua sắm bản thân nó cũng là một thú vui”.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons