Xử lý hàng tồn kho tại cảng biển – Bài 2: Cần giải quyết dứt điểm

Xử lý hàng tồn kho tại cảng biển – Bài 2: Cần giải quyết dứt điểm

Theo các chuyên gia, để giải bài toán giảm áp lực tồn đọng hàng hóa tại cảng biển cần sớm có một chuyên đề chuyên sâu để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Nếu không có các giải pháp cụ thể, chắc chắn trong tương lai sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ về môi trường và tình trạng quá tải cảng biển

Nhiều bất cập

Theo ông Nhữ Đình Thiện – Tổng thư ký Hiệp hội Đại lý Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), để xử lý hàng tồn kho tại các cảng biển một cách dứt điểm rất cần một cuộc đại phẫu thông qua các diễn đàn, hội thảo… với đầy đủ các cơ quan chức năng liên quan, chuyên gia, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp cảng biển và cộng đồng doanh nghiệp chung tay mới có thể xử lý nhanh, và dứt điểm. Trong đó, cần tuân thủ và đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng trên 90 ngày để giảm áp lực cho các cảng biển trong bối cảnh hiện nay.

Cũng theo ông Thiện, bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi Thông tư số 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính để giảm bớt quy trình, thủ tục, thời gian xử lý hàng tồn đọng; bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp cảng tạm ứng nguồn kinh phí để xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng và được thu hồi sau khi hoàn tất việc bán thanh lý hàng hóa tồn đọng.

Đồng thời, sửa đổi bổ sung các hạng mục hàng hóa xuất khẩu được quy định tại Điểm c.1 Khoản 1 Điều 50 Thông tư 39/2018/TT-BTC về đề nghị thêm hàng quá cảnh đã kết thúc vận chuyển từ nơi đến vào điểm này. Sở dĩ, tại Điểm c.1 quy định: hàng hóa xuất khẩu đã thông quan hoặc giải phóng hàng được vận chuyển từ địa điểm lưu giữ hoặc cửa khẩu xuất đã đăng ký trên tờ khai hải quan đến địa điểm lưu giữ hoặc cửa khẩu xuất mới theo yêu cầu của người vận tải; hàng quá cảnh đã được vận chuyển đến nơi đến là cửa khẩu xuất đã đăng ký trên tờ khai vận chuyển độc lập đến cửa khẩu xuất mới theo yêu cầu của người vận tải.

Về lý do sửa đổi, ông Thiện lấy dẫn chứng, hàng hóa từ Campuchia quá cảnh lãnh thổ Việt Nam đã kết thúc quá trình vận chuyển tới nơi đến (là cảng biển xuất hàng lên tàu mẹ), nhưng người vận chuyển đề nghị thay đổi cảng xếp hàng/cửa khẩu xuất. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại không có quy định hướng dẫn thực hiện. Việc này dẫn đến hàng hóa quá cảnh phải làm thủ tục để chuyển ngược lại Campuchia sau đó quá cảnh lại Việt Nam như lô hàng mới và khai báo vận chuyển độc lập đến cảng xếp hàng mới. Hoặc người vận chuyển phải xuất lên một tàu biển khác tại cảng xếp hàng cũ, rồi trung chuyển lần 2 tại một cảng nước ngoài (Hongkong, Singapore..) để đi đến cảng đích dẫn đến phát sinh chi phí rất lớn.

Gỡ vướng cơ chế, chính sách

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Quỳ – Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á, cho biết qua kiểm tra, rà soát, tại Tân cảng Sài Gòn, tính đến nay, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn quản lý lên tới hơn 6.000 container, chiếm phần lớn phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam. Đây là vấn đề nan giải, và ảnh hưởng rất lớn tới diện tích kho bãi cũng như hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động tại cảng.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, theo ông Quỳ, rất cần có hướng dẫn của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan, Bộ Giao thông vận tải… vì các vấn đề tồn động này chủ yếu liên quan đến hàng hoá.

Cũng theo ông Quỳ, vấn đề cốt lõi dẫn đến tồn đọng hàng hoá tại cảng chủ yếu do vướng thủ tục hải quan. Bởi, khi muốn lấy container ra để di chuyển tới kho khác nhằm giải phóng mặt bằng cho cảng biển. Song, để lấy được hàng hoá ra ngoài thì phải được sự cho phép của hải quan.

“Nếu căn cứ tại khoản 6 Điều 50 Thông tư 39/2018/TT-BTC, người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan (nếu có), niêm phong của hãng vận chuyển (nếu có) trong quá trình vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan; vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, thời gian đã đăng ký với cơ quan hải quan. Và đây chính là những vướng mắc khiến hàng hoá tồn đọng tại cảng từ nhiều năm nhưng không thể xứ lý dứt điểm”, ông Quỳ nêu.

Theo ông Quỳ, trong tương lai, ngành hàng hải sẽ được định hình bởi bốn yếu tố chính, gồm: Sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ tiến tới AI; rủi ro và xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu; áp lực thúc đẩy trên hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050; sự hài hòa giữa phát triển ngành hàng hải, cảng biển và logistics gắn với trách nhiệm xã hội.

“Để giải bài toán giảm áp lực tồn đọng hàng hóa tại cảng biển cần có một chuyên đề chuyên sâu để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách thông qua diễn đàn, toạ đàm, hội thảo với sự tham gia của các bộ ngành liên quan. Trong đó, cần có sự tham gia của các bộ ngành, như: Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Hải quan và những cơ quan có thẩm quyền mới hy vọng giải quyết dứt điểm những tồn đọng nêu trên. Ngược lại, nếu không có các giải pháp cụ thể, chắc chắn trong tương lai sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ về môi trường và tình trạng quá tải cảng biển là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Quỳ nhấn mạnh.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons