CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM

CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH  PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA

CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM

          Năm 1991, Liên hiệp Xí nghiệp Giấy – Gỗ – Diêm chuyển đổi thành Liên hiệp sản xuất xuất nhập khẩu Giấy – Gỗ – Diêm toàn quốc. Để phù hợp với cơ chế quản lý mới, Công đoàn Công nghiệp nhẹ cho thành lập thí điểm Hội đồng chủ tịch Công đoàn ngành Giấy – Gỗ – Diêm phía Bắc bao gồm các đơn vị thuộc Liên hiệp sản xuất xuất nhập khẩu Giấy Gỗ Diêm ở phía Bắc. Sau 01 năm hoạt động mô hình này đã tạo được sự gắn bó giữa các Công đoàn  trong ngành với nhau, khẳng định mô hình hoạt động chuyên ngành có tác dụng tốt, có nhiều đóng góp chung cho toàn ngành. Vì vậy đến 16/6/1992, Công đoàn Công nghiệp nhẹ đã có Quyết định số 48/QĐ – CĐCNn ” thành lập Hội đồng chủ tịch Công đoàn ngành Giấy Gỗ Diêm”. Hội đồng bao gồm các  chủ tịch Công đoàn cơ sở thuộc các đơn vị thành viên trong Liên hiệp sản xuất xuất nhập khẩu Giấy Gỗ Diêm toàn quốc bao gồm 22 Công đoàn cơ sở.

          Hội đồng chủ tịch Công đoàn được Công đoàn Công nghiệp nhẹ uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ: tham gia với Liên hiệp sản xuất – xuất nhập khẩu về những vấn đề quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế ngành, thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, chăm lo bảo vệ đời sống và lợi ích chính đáng của CNVC trong ngành Giấy – Gỗ – Diêm.

          Lúc này Hội đồng chủ tịch chưa tổ chức bộ máy riêng, kinh phí hoạt động do Công đoàn Công nghiệp cấp. Các thành viên trong Hội đồng bầu ra chủ tịch và phó chủ tịch và đã được Công đoàn Công nghiệp nhẹ công nhận theo quyết định số 49/CĐCNn/QĐ ngày 18/6/1992 gồm :

1.- Đ/c Nguyễn Văn Nhuận    Chủ tịch Công đoàn cơ  quan Liên hiệp sản xuất – xuất nhập khẩu Giấy Gỗ Diêm tại Hà Nội,  Chủ tịch Hội đồng

2.- Đ/c Nguyễn Quốc Bảo       Chủ tịch Công đoàn  XNLH Giấy Vĩnh Phú,                  Phó Chủ tịch Hội đồng

3.- Đ/c Nguyễn Thị Anh Nhi  Chủ tịch Công đoàn cơ quan với Liên hiệp sản xuất – xuất nhập khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng

4.- Đ/c Nguyễn Thị Liễu         Chủ tịch Công đoàn XNLH Giấy Tân Mai, Phó Chủ tịch Hội đồng

          Sau 3 năm hoạt động (hết nhiệm kỳ) chủ tịch và các  phó chủ tịch mới được bầu lại. Công đoàn Công nghiệp nhẹ đã có quyết định số 52 QĐ/CĐCNn ngày 10/3/1995 công nhận gồm :

          1.- Đ/c Nguyễn Văn Nhuận     Chủ tich Hội đồng

          2.- Đ/c Nguyễn Quốc Bảo       Phó Chủ tịch

          3.- Đ/c Nguyễn Thị Liễu          Phó Chủ tịch

          Nhiệm kỳ của Hội đồng là 5 năm. Công đoàn Công nghiệp nhẹ còn cử đồng chí  Nguyễn Văn Đức là chuyên viên Công đoàn Công nghiệp nhẹ giúp việc cho Hội đồng.

          Qua thời gian hoạt động theo mô hình mới, Hội đồng đã làm tốt những nhiệm vụ mà Công đoàn Công nghiệp nhẹ phân cấp, đã gắn bó được các Công đoàn cơ sở thành viên, đã tham gia đóng góp với chuyên môn nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong ngành, tham gia đóng góp và kiến nghị với Nhà nước về một số chế độ chính sách bảo hộ sản xuất cho ngành, cho đời sống người lao động … Mô hình này đã khẳng định hoạt động Công đoàn  theo ngành nghề là hướng đi đúng và phù hợp.

          Cùng với việc hình thành các Tổng công ty theo quyết định 90/TTg và 91/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 4/4/1996 về việc thành lập Công đoàn Tổng công ty.

          Ngày 6/2/1996, Công đoàn Công nghiệp nhẹ Việt Nam có quyết định số 20/QĐ-CĐCNn về việc thành lập Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam. Đó là Công đoàn cấp trên trực tiếp của Công đoàn cơ sở của các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam (gồm 19 Công đoàn cơ sở), đây là một trong số các Công đoàn Tổng công ty được Tổng LĐLĐ Việt Nam giao cho Công đoàn ngành Công nghiệp nhẹ Việt Nam quyết định thành lập sớm  nhất.

          Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam có các nhiệm vụ:

  1. Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Công đoàn cấp trên và nghị quyết Đại hội cấp mình,
  2. Đại diện cho CNLĐ tham gia quản lý, bảo vệ lợi ích chính đáng hợp pháp của người lao động, tổ chức Đại hội CNVC, ký Thoả ước LĐTT, giới thiệu người tham gia Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát với Tổng công ty.
  3. Chỉ đạo xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, xây dựng tổ chức và đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công đoàn.
  4. Quản lý tài chính, tài sản Công đoàn, tổ chức hoạt động kinh tế Công đoàn theo sự phân cấp của Công đoàn Công nghiệp nhẹ.

          Công đoàn Công nghiệp nhẹ đã ra quyết định số 22/QĐ-CĐCNn ngày 6/02/1996 chỉ định Ban chấp hành lâm thời Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam gồm 15 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí:

  1. Nguyễn Văn Nhuận Chủ tịch
  2. Nguyễn Quốc Bảo Phó Chủ tịch
  3. Nguyễn Thị Liễu Phó Chủ tịch
  4. Hà Thị Hịch Phó Chủ tịch
  5. Nguyễn Thị Anh Nhi Uỷ viên Ban Thường vụ

          Ban chấp hành lâm thời Công đoàn Tổng công ty có nhiệm vụ tổ chức hoạt động và chuẩn bị đại hội theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

          Sau hơn 1 năm hoạt động và chuẩn bị, ngày 25/4/1997 Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam lần thứ I tại Công ty Giấy Bãi Bằng. Đại hội đã đánh giá kết quả một năm hoạt động của Ban chấp hành lâm thời và thông qua phương hướng nhiệm vụ mục tiêu chủ yếu của Công đoàn Tổng công ty nhiệm kỳ I (1997 – 2002) Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành khoá I gồm 15 đồng chí.

          Ban chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí bầu chức danh chủ tịch và phó chủ tịch gồm các đồng chí:

  1. Nguyễn Văn Nhuận Chủ tịch
  2. Hà Thị Hịch Phó Chủ tịch
  3. Nguyễn Thị Liễu Phó Chủ tịch
  4. Nguyễn Quốc Bảo Phó Chủ tịch
  5. Nguyễn Thị Anh Nhi Uỷ viên Thường vụ

          Tháng 1/1998 đồng chí Hà Thị Hịch chuyển công tác và xin rút khỏi Ban chấp hành Công đoàn Tổng công ty. Ban chấp hành đã bầu đồng chí Lê Thị Thanh Nga vào Ban Thường vụ và bầu vào chức danh phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty.

          Công đoàn Tổng công ty là Công đoàn thuộc Tổng công ty thành lập theo quyết định 91/TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-TLĐ ngày 4/4/1996 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Là Công đoàn cấp trên cơ sở và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam, Công đoàn Tổng công ty chỉ đạo trực tiếp 16 Công đoàn cơ sở :

  1. Công đoàn Công ty Giấy Bãi Bằng
  2. Công đoàn Công ty Giấy Việt Trì
  3. Công đoàn Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ
  4. Công đoàn Nhà máy Giấy Vạn Điểm
  5. Công đoàn Nhà máy Giấy Hoà Bình
  6. Công đoàn Công ty Giấy Đồng Nai
  7. Công đoàn Công ty Giấy Tân Mai
  8. Công đoàn Công ty Giấy Bình An
  9. Công đoàn Công ty Giấy Viễn Đông
  10. Công đoàn Công ty Nguyên liệu Giấy Vĩnh Phú
  11. Công đoàn Công ty Nguyên liệu Giấy Đồng Nai (Nay là Công đoàn Công ty Nguyên liệu Giấy Miền Nam)
  12. Công đoàn Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
  13. Công đoàn Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà
  14. Công đoàn Nhà máy In và VHP Phúc Yên
  15. Công đoàn Cơ quan Tổng công ty Giấy Việt Nam
  16. Công đoàn Chi nhánh Tổng công ty Giấy Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh

          Tháng 6/1997, Bộ Công nghiệp có quyết định tách Trung tâm nghiên cứu cây nguyên liệu Giấy Phù Ninh khỏi Công ty Nguyên liệu Giấy Vĩnh Phú và trở thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng công ty. Do đó, Công đoàn Tổng công ty đã quyết định thành lập Công đoàn Trung tâm nghiên cứu cây Nguyên liệu Giấy thành Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Tổng công ty.

          1/7/1999, Bộ Công nghiệp có quyết định sáp nhập Công ty Gỗ Cầu Đuống vào Công ty Giấy Bãi Bằng. Công đoàn Tổng công ty có quyết định Công đoàn Công ty Gỗ Cầu Đuống thành Công đoàn cơ sở thành viên thuộc Công đoàn Công ty Giấy Bãi Bằng.

          Tháng 7/1997, Thủ tướng Chính phủ có quyết định đưa Công ty Diêm Thống Nhất, Công ty Diêm Hoà Bình, Nhà máy Gỗ Đồng Nai về trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam.

          Như vậy đến cuối năm 1997, Công đoàn Tổng công ty chính thức quản lý và chỉ đạo trực tiếp 20 Công đoàn cơ sở.

          Ngày 5/3/2001, Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ Công nghiệp ra Quyết định sáp nhập Nhà máy Giấy Hoà Bình vào Công ty Giấy Việt Trì nên Công đoàn Nhà máy Giấy Hoà Bình trở thành Công đoàn cơ sở thành viên của Công đoàn Công ty Giấy Việt Trì.

          Ngày 18/7/2000, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển Công ty Giấy Viễn Đông thành Công ty cổ phần với 100% cổ phần bán cho người lao động. Công đoàn Tổng công ty có quyết định bàn giao Công đoàn Công ty về Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh.

          Tháng 6/2002 thành lập Công ty cổ phần Công đoàn  Giấy Việt Nam và Công đoàn của Công ty trở thành Công đoàn cơ sở của Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam.

          Từ ngày 14 – 15/01/2003, Đại hội Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam nhiệm kỳ II đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đã đánh giá những kết quả đã đạt được trong phong trào công nhân viên chức, hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ I (1997 – 2002) và đề ra phương hướng hoạt động những năm tới. Đại hội cũng đã bầu ra ban chấp hành gồm 21 đồng chí .

          Hội nghị Ban chấp hành nhiệm kỳ II (2003 – 2008) đã bầu ban thường vụ và các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch :

  1. Lê Thị Thanh Nga Chủ tịch
  2. Khúc Văn Quý Phó Chủ tịch
  3. Nguyễn Thị Liễu Phó Chủ tich
  4. Nguyễn Thị Anh Nhi Uỷ viên Ban Thường vụ
  5. Đãi Văn Hợi Uỷ viên Ban Thường vụ
  6. Nguyễn Xuân Lợi Uỷ viên Ban Thường Vụ
  7. Hoàng Quốc Lâm Uỷ viên Ban Thường vụ

          Ban chấp hành đã bầu Uỷ ban kiểm tra gồm 5 đồng chí, bầu chủ nhiệm và phó chủ nhiệm  Uỷ ban kiểm tra gồm các đồng chí :

  1. Ngô Xuân Hùng           Chủ nhiệm
  2. Nguyễn Thị Tính Phó Chủ nhiệm

          Nhiệm kỳ II của Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam (2003 – 2008)  sẽ là nhiệm kỳ hết sức nặng nề, bởi đây là nhiệm kỳ đầu tiên nước ta thực hiện toàn diện AFTA, mở rộng quy mô, vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giấy với số vốn rất lớn, trong điều kiện một loạt công trình mới đều thực hiện chậm so với tiến độ, mở rộng diện tích trồng rừng nguyên liệu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương III. Công đoàn sẽ phải nắm bắt kịp thời cơ chế chuyển đổi mới, để sắp xếp phù hợp với các mô hình Công ty TNHH một thành viên, Công ty cổ phần , cũng như việc sắp xếp sáp nhập một số cơ sở.

          Tháng 2/2005, thủ tướng Chính phủ có quyết định số 29/QĐ-TTg chuyển Tổng công ty Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ – Công ty con, Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam có đề án sắp xếp Công đoàn Tổng công ty và được Công đoàn Công nghiệp Việt Nam phê duyệt tại quyết định số 770/QĐ-CĐN ngày 13/6/2005 với mô hình tổ chức như sau:

          – Công đoàn cơ sở Khối Công ty Mẹ: 26

          – Công đoàn cơ sở Khối công ty con: 7

          – Công đoàn cơ sở Các đơn vị hạch toán độc lập: 3

          – Công đoàn cơ sở Các Công ty liên kết: 6

          Cơ cấu BCH công đoàn Tổng công ty có số lượng 21 đồng chí, Ban thường vụ 07 đồng chí, bầu bổ sung 01 đồng chí Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam kiêm chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Giấy Bãi Bằng.

          Thực hiện quyết định của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam, Hội nghị BCH Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam lần thứ VII và bầu bổ sung đồng chí Đãi Văn Hợi Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Giấy Bãi Bằng giữ chức danh Phó chủ tịch công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam, bầu bổ sung 03 đồng chí uỷ viên BCH thay thế các đồng chí chuyển công tác khác.

          Tháng 10/2007, tiếp tục thực hiện sắp xếp lại tổ chức, Công đoàn Tổng công ty đã xây dựng đề án và đề nghị đổi tên Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam thành: Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam, định hướng hoạt động theo công đoàn ngành nghề theo chỉ đạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Công Thương Việt Nam.

          Ngày 8/11/2007, Công đoàn Công Thương Việt Nam có quyết định số 89/QĐ-CĐCT phê duyệt đề án tổ chức, đổi tên Công đoàn Tổng công ty Giấy VN thành Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam.

          Ngày 8/4/2008, Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam triển khai thực hiện quyết định số 89 của Công đoàn Công Thương Việt Nam, chấm dứt hoạt động của Công đoàn Công ty Giấy Bãi Bằng, thành lập 06 Công đoàn cơ sở thành viên, 13 Công đoàn bộ phận trực thuộc Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam cùng với 41 Công đoàn cơ sở.

          Ngày 22 và 23/4/2008, đại hội Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2008 – 2013 được tổ chức tại Cung văn hoá thanh niên Hà Nội. Đại hội tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội II, nhiệm kỳ 2003 -2008; kết quả tổ chức phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn theo chương trình của hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ tháng 7/2005, đồng thời thống nhất mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ tổ chức phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2008 – 2013. Đại hội đã bầu BCH gồm 25 đồng chí.

          Hội nghị BCH lần thứ nhất đã bầu Ban thường vụ, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch nhiệm kỳ 2008 – 2013 gồm các đồng chí:

  1. Lê Thị Thanh Nga Chủ tịch
  2. Khúc Văn Quý        Phó chủ tịch
  3. Nguyễn Thị Liễu Phó chủ tịch
  4. Vũ Thanh Bình UV Ban thường vụ
  5. Ngô Xuân Hùng        UV Ban thường vụ
  6. Nguyễn Xuân Lợi UV Ban thường vụ

          Hội nghị BCH lần thứ nhất đã bầu UBKT công đoàn gồm 5 đồng chí, bầu chủ nhiệm, phó chủ nhiệm UBKT gồm các đồng chí:

  1. Ngô Xuân Hùng        Chủ nhiệm
  2. Nguyễn Thị Tính Phó chủ nhiệm

          Đây là nhiệm kỳ sẽ có rất nhiều khó khăn, với mô hình tổ chức hiện tại, Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam vừa làm nhiệm vụ của 1 công đoàn cấp trên cơ sở (trực tiếp chỉ đạo hoạt động của 41 CĐCS), vừa làm nhiệm vụ của một Công đoàn cơ sở (trực tiếp chỉ đạo hoạt động của 06 Công đoàn cơ sở thành viên và 13 công đoàn bộ phận trực thuộc); đầu mối chỉ đạo hoạt động nhiều, phạm vi rộng và đối tượng các Công đoàn cơ sở trực thuộc các doanh nghiệp có các loại hình sở hữu khác nhau (Doanh nghiệp nhà nước, Công ty cổ phần vốn nhà nước chi phối, công ty cổ phần vốn nhà nước không chi phối, Công ty cổ phần không có vốn nhà nước).

          Đặc điểm tình hình tổ chức phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn nhiệm kỳ này trong bối cảnh có nhiều thách thức do tình hình kinh tế thế giới tác động ảnh hưởng tới SXKD của Tổng công ty của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn mới phát sinh, vì vậy đại hôi đặt ra mục tiêu của phong trào CNVC, hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2008 -2013 là:

          “Đổi mới – Chủ động – Sáng tạo – thiết thực – đoàn kết vì sự phát triển của Tổng công ty và các doanh nghiệp, của Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam; ổn định việc làm, thu nhập đời sống của CNVCLĐ; Xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; tổ chức phong trào CNVCLĐ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu SXKD hàng năm”.

          Tháng 9/2009, kỳ họp thứ V của BCH Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Xinh tham gia BCH, Ban thường vụ và giữ chức danh Phó Chủ tịch Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam.

          Tháng 10/2010, kỳ họp thứ VIII của BCH Công đoàn Giấy và Bột giấy VN bầu bổ sung chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, UV ban thường vụ do đồng chí Lê Thị Thanh Nga – Chủ tịch Công đoàn giấy và Bột giấy Việt Nam nghỉ hưu từ tháng 11/2010, phân công nhiệm vụ thường trực:

  1. Bầu chủ tịch Đ/c Nguyễn Xinh
  2. Bầu Phó chủ tịch Đ/c Ngô Xuân Hùng
  3. Bầu UV thường vụ Đ/c Vũ Thị Kim Hoa

          Phân công nhiệm vụ Phó chủ tịch thường trực :   Đ/c Khúc Văn Quý

          Phân công nhiệm vụ chánh VP CĐ giấy và bột giấy VN: Đ/c Nguyễn Thị Phương

          Tháng 10/2010, hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ đã đánh giá kết quả phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn nửa đầu nhiệm kỳ 2008 – 2013, bổ sung một số nhiệm vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chương trình đại hội đã đề ra.

          Tháng 2/2012, hội nghị BCH Công đoàn Giấy và bột giấy VN làm thứ X đã bầu bổ sung Đ/c Trịnh Văn Lâm vào BCH, Ban thường vụ thay đông chí Vũ Thanh Bình Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy VN  và bầu bổ sung 3 đ/c UVBCH, 1 đ/c UVUB kiểm tra thay thế các đ/c nghỉ hưu gồm:

          * UVBCH:

  1. Đ/c Phạm Văn Minh – Chủ tịch công đoàn Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên
  2. Đ/c Lê Trung Lập – Chủ tịch công đoàn Nhà máy Hóa chất
  3. Đ/c Lê Thị Thanh Thủy – Chủ tịch công đoàn Công ty Lâm nghiệp Yên Lập

          * UVUB kiểm tra: Đồng chí Trần Thị Loan – Chủ tịch công đoàn Phòng tổ chức lao động Tổng công ty Giấy Việt Nam.

          Tổng số UVBCH Công đoàn Giấy và Bột giấy nhiệm kỳ 2008 – 2013 bảo đảm số lượng 25 đồng chí theo quyết định của đại hội.

Ngày 12 và 13/3/2013, đại hội Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2013-2018 được tổ chức tại Hội trường TCT Giấy VN. Đại hội đã bầu BCH gồm 25 đồng chí.

          Hội nghị BCH lần thứ nhất đã bầu ban thường vụ gồm 7 đồng chí, bầu chức danh chủ tịch, phó chủ tịch nhiệm kỳ 2008 – 2013 gồm các đồng chí:

  1. Đc Nguyễn Xinh – Chủ tịch
  2. Đc Ngô Xuân Hùng – Phó chủ tịch thường trực
  3. Đc Vũ Thị Kim Hoa – Phó chủ tịch chuyên trách
  4. Đc Ngô Thị Thu Hằng – Phó chủ tịch
  5. Đc Trịnh Văn Lâm – UVBTV
  6. Đc Lương Văn Thành – UVBTV
  7. Đc Trần Minh Trung – UVBTV

Để phù hợp với tổ chức và thống nhất về tên gọi của ban đầu và đồng nhất với tên gọi của Tổng công ty, ngày 23/12/2013 Công đoàn Công Thương VN đã ban hành quyết định đổi lại tên gọi Công đoàn Giấy và Bột giấy Việt Nam thành Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Ngày 18 và 19/01/2018, đại hội Công đoàn TCT giấy Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2018 – 2023 được tổ chức tại Hội trường TCT Giấy VN. Đại hội đã bầu BCH gồm 23 đồng chí.

          Hội nghị BCH lần thứ nhất đã bầu ban thường vụ, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch nhiệm kỳ 2018 – 2023 gồm các đồng chí:

  1. Đc Nguyễn Xinh – Chủ tịch
  2. Đc Ngô Thị Thu Hằng – Phó chủ tịch thường trực
  3. Đc Mai Thùy Dung – Phó chủ tịch chuyên trách
  4. Đc Nguyễn Tiến Vinh – UVBTV ( Phó Tổng Giấm đốc TCT )
  5. Đc Trần Xuân Sơn – UVBTV (Chủ tịch Công đoàn Công ty Lâm nghiệp Tân Phong )
  6. Đc Trần Minh Trung – UVBTV (Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Tân Mai )
  7. Đc Trần Văn Mạnh – UVBTV (Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Giấy Việt Trì )

Tháng 09/2019 để bổ sung BTV, thay thế đc Nguyễn Tiến Vinh chuyển Công tác, Công đoàn Công Thương đã chuẩn ý kết quả bầu đồng chí Nguyễn Tuấn Minh – Phó tổng giám đốc Tổng công ty vào Ban thường vụ Công đoàn TCT.

         

  1. HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM QUA CÁC NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI

Nhiệm kỳ thứ I của Công đoàn Tổng công ty từ năm 1997 – 2002 là thời gian mà hoạt động Công đoàn Tổng công ty bắt đầu ổn định và đi vào chiều sâu với việc tham gia quản lý ngành nghề, đại diện chăm lo bảo vệ lợi ích người lao động, tổ chức các phong trào thi đua thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiện toàn tổ chức… thể hiện cụ thể trên các mặt:

          Hàng năm, Công đoàn Tổng công ty phối hợp với chính quyền chỉ đạo các đơn vị tổ chức Đại hội CNVC cơ sở cũng như tổ chức tốt 3 kỳ đại hội CNVC Tổng công ty theo đúng hướng dẫn của Tổng Liên đoàn. Vì vậy, việc tổ chức Đại hội CNVC từ cơ sở đến Tổng công ty đã đi vào nền nếp, phát huy quyền dân chủ thực sự của người lao động. CBCNV được quyền tham gia góp ý cán bộ quản lý, tham gia vào nội quy, quy chế, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất xuất kinh doanh của đơn vị… Nếu như  năm 1997 chỉ có 50% đơn vị bỏ phiếu góp ý cán bộ thì đến năm 1999 đã là 100%.

          Để tham gia với chuyên môn về chiến lược phát triển ngành giấy, Công đoàn Tổng công ty đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo:

          – Năm 1997 tổ chức hội thảo với chuyên đề “Đào tạo lực lượng cán bộ công nhân kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ cho chiến lược phát triển ngành Giấy Việt Nam”

          – Năm 1998 tổ chức hội thảo “Bàn về quan điểm nguyên liệu cho ngành Giấy sau năm 2000”

          – Năm 2000 phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức hội thảo “Ngành cơ khí tham gia chế tạo thiết bị phụ tùng cho ngành Giấy”

          Với tư cách là thành viên của Ban đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty, Công đoàn Tổng công ty đã tích cực tham gia vào quá trinh đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Trong quá trình đó, Công đoàn Tổng công ty kịp thời tham gia và kiến nghị các giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

          Chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động Công đoàn Tổng công ty trong suốt thời gian này. Công đoàn Tổng công ty thường xuyên phối hợp với chuyên môn tổ chức việc kiểm tra giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động cũng như chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát thực tế, kiến nghị các chế độ chính sách về BHXH, BHYT…  cho người lao động. Cũng từ những đợt khảo sát như vậy, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đã có quyết định công nhận lao động trồng, chăm sóc và khai thác rừng (trong các lâm trường nguyên liệu giấy) là ngành nghề lao động nặng nhọc độc hại.

          Quan tâm đến đời sống của các gia đình chính sách, người lao động nghèo, con em CBCNV…, Công đoàn Tổng công ty đã có nhiều hoạt động động thăm hỏi nhân dịp tết nguyên đán, ngày thương binh liệt sỹ, khen thưởng các cháu con CBCNV đạt thành tích xuất sắc trong học tập, trợ cấp học phẩm cho con em CBCNV các đơn vị khó khăn nhân dịp khai giảng năm học mới, trích quỹ xã hội để hỗ trợ xây 5 nhà tình nghĩa cho CNVC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Không chỉ quan tâm đến đời sống người lao động trong ngành, Công đoàn Tổng công ty còn vận động CBCNV hưởng ứng nhiệt tình trong phong trào ủng hộ từ thiện. Trong giai đoạn từ năm 1997 – 2002, CBCNV Tổng công ty đã ủng hộ các đối tượng chính sách, nuôi dưỡng bà mẹ VNAH, ủng hộ đồng bào bão lụt, phụ nữ trẻ em nhiều tỷ đồng.

          Từ nhận thức công tác thi đua khen thưởng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, Công đoàn Tổng công ty đã chủ động hoặc phối hợp cùng với hội đồng thi đua Tổng công ty chỉ đạo cơ sở phát động các phong trào thi đua lao động giỏi, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá trong sản xuất, phong trào tiết kiệm, phong trào đảm bảo An toàn – Vệ sinh lao động, phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn… Từ trong các phong trào thi đua, một  đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 1 đơn vị là Anh hùng lực lượng vũ trang, 1 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 11 tập thể, 6 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng I, hạng II và hạng III; 8 cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc, (trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty và đồng chí Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty Giấy Bãi Bằng). Giá trị làm lợi từ các sáng kiến cải tiến kỹ thuật lên tới gần 25 tỷ đồng, có 39 lượt người được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen và Huy hiệu lao động sáng tạo. Tiêu biểu trong các phong trào này là Công ty Giấy Bãi Bằng, Công ty Giấy Tân Mai, Công ty Giấy Việt Trì, Công ty Giấy Đồng Nai…

          Công tác tuyền truyền giáo dục, từng bước xây dựng đội ngũ CNVCLĐ phát huy sức mạnh nhân tố con người được thực hiện một cách liên tục trong cả nhiệm kỳ. Công đoàn Tổng công ty thường xuyên tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn đến Công đoàn cơ sở và người lao động bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức tập huấn, chỉ đạo đơn vị tổ chức cho CBCNV học tập 5 bài chính trị cơ bản (80% CBCNV đã được tham gia học tập), Tổ chức thi tìm hiểu về Công đoàn Việt Nam, Bộ Luật hình sự, Luật phòng chống ma tuý; Thành tựu đổi mới do Đảng CSVN lãnh đạo…(trong các cuộc thi này 100% các đơn vị đã tham gia với số bài hơn 6.500 bài/lần chiếm trên 50% tổng số CBCNV).

          Để tạo không khí sôi nổi phấn khởi, hăng say lao động trong CNVCLĐ, hàng năm hơn 50% các đơn vị có tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thao và các hoạt động giao lưu văn hoá thể thao. Trong nhiệm kỳ này, Công đoàn Tổng công ty còn phối hợp với Tổng công ty tổ chức được 1 Hội thao và 1 hội diễn  toàn Tổng công ty thu hút đông đảo CBCNV tham gia.

          Song song với việc thực hiện công tác tham gia quản lý, chăm lo lợi ích người lao động… Công đoàn Tổng công ty đã kiện toàn tổ chức đưa hoạt động Công đoàn đi vào nền nếp, xây dựng Công đoàn các cấp vững mạnh. Vì vậy, tỷ lệ đoàn viên trong các đơn vị luôn đạt từ 90% trở lên, năm 2001, 2002 có 100% Công đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn Công đoàn cơ sở vững mạnh; đội ngũ Cán bộ Công đoàn có trình độ chuyên môn năng lực cao đáp ứng được yêu cầu của hoạt động Công đoàn trong thời kỳ đổi mới.

          Thực hiện chủ trương tiết kiệm và phát huy nội lực phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, được sự giúp đỡ của Công đoàn Công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Tổng công ty và các ngành, các cấp, Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam đã xây dựng đề án khả thi và thành lập Công ty cổ phần Công đoàn  Giấy Việt Nam với số vốn điều lệ 500 triệu động. Hoạt động của của công ty đã dần đi vào nền nếp, bảo toàn và phát triển vốn. Việc mua bán giấy loại đã bước đầu có hiệu quả, công tác dịch vụ khoa học kỹ thuật xử lý môi trường cho một số cơ sở giấy địa phương cũng đạt được thành tích tốt.

          Trong nhiệm kỳ thứ I, hoạt động Công đoàn Tổng công ty đã thu được những kết quả đáng kể. Từ năm 1997 đến năm 2002 liên tục đượcTổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc toàn diện, năm 2001 được vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng III.

Nhiệm kỳ 2003 – 2008, Công đoàn Tổng công ty bám sát mục tiêu chương trình phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn đại hội đề ra. Thực hiện chức năng tham gia quản lý, phối hợp tổ chức các phong trào thi đua, công đoàn đã cùng với Tổng giám đốc tổ chức đại hội CNVC Tổng công ty lần thứ 3 vào năm 2003, Tổ chức ĐH CNVC Công ty Mẹ – Tổng công ty lần thứ nhất vào năm 2006. ĐH CNVC đã hoàn thiện, thông qua TƯLĐTT, nội quy lao động, các quy chế làm cơ sở công đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ chính sách với CNVCLĐ.

Công đoàn Tổng công ty  đã phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng suất trồng cây nguyên liệu giấy và phát triển kinh tế gia đình” các Công ty Lâm nghiệp khu vực phía bắc lần thứ nhất, tham gia với Tổng giám đốc Tổng công ty các giải pháp tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả công tác sản xuất trồng cây nguyên liệu giấy.

Công đoàn Tổng công ty phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong CNVCLĐ mà nòng cốt là phong trào thi đua lao động giỏi, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm. Trong nhiệm kỳ đã phát huy và áp dụng vào sản xuất gần 500 sáng kiến cải tiến, làm lợi trên 100 tỷ đồng, Hội đồng sáng kiến Tổng công ty và các đơn vị đã thưởng cho các tác giả sáng kiến gần 8 tỷ đồng; có 16 đồng chí được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen và huy hiệu lao động sáng tạo. Công đoàn Tổng công ty hướng dẫn các Công ty Lâm nghiệp tổng kết 5 năm phong trào “Người trồng rừng giỏi” khen thưởng điển hình tiên tiến xuất sắc.

Công đoàn Tổng công ty thường xuyên quan tâm khảo sát tình hình đời sống, việc làm, thực hiện các chế độ chính sách, hỗ trợ xóa 68 nhà tạm, trợ cấp khó khăn cho CNVCLĐ. Đồng thời tham gia biện pháp tìm thêm việc làm mới, duy trì ổn định và từng bước nâng cao thu nhập cho CNVCLĐ.

Công đoàn tăng cường các hình thức tuyên truyền giáo dục, phối hợp tổ chức thực hiện cuộc vận động: “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức thi tìm hiểu qua các kỳ đại hội Công đoàn Việt Nam. Phối hợp với Tổng công ty tổ chức hội thao lần thứ 2 vào năm 2004, tham dự hội thao và Hội diễn nghệ thuật ngành Công nghiệp khu vực phía Bắc trong dịp kỷ niệm 60 năm ngành công nghiệp Việt Nam.

Công đoàn Tổng công ty chú trọng công tác củng cố, ổn định tổ chức, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, hướng dẫn các công đoàn cơ sở tuyên truyền kết nạp đoàn viên, trong đó có 13 đoàn viên công đoàn danh dự là nhân dân nhận khoán trồng cây nguyên liệu giấy với các Công ty lâm nghiệp. Công đoàn Tổng công ty đã tổ chức hội thảo chuyên đề: “Hoạt động công đoàn trong các Công ty cổ phần” nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị đã cổ phần hóa và những đơn vị chuẩn bị cổ phần hóa, lựa chọn được những nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Với kết quả đó, liên tục 5 năm trong nhiệm kỳ Công đoàn Tổng công ty được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc toàn diện, năm 2007 được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Nhì.

Nhiệm kỳ 2008 – 2013, Công đoàn Tổng công ty đổi tên thành Công đoàn Giấy và Bột Giấy Việt Nam, định hướng hoạt động Công đoàn nghành nghề vừa làm nhiệm vụ của cấp trên cơ sở, vừa làm nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở. Đặc điểm này cũng đặt ra nhiều khó khăn đòi hỏi công đoàn phải linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo điều hành để phù hợp với từng cấp công đoàn, từng loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Công đoàn Giấy và Bột Giấy Việt Nam chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp cổ phần tổ chức hội nghị người lao động; phối hợp với Tổng giám đốc Tổng công ty chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước tổ chức đại hội CNVC, các đơn vị sự nghiệp tổ chức Hội nghị CBCC và tổ chức Đại hội CNVC Công ty Mẹ – Tổng công ty lần thứ 2 vào tháng 7/2008, lần thứ 3 vào tháng 6/2011.

Tháng 6/2010, Công đoàn Giấy và Bột Giấy Việt Nam phối hợp với Tổng giám đốc tổ chức đại hội thi đua yêu nước Tổng công ty giấy Việt Nam lần thứ 2, biểu dương khen thưởng các điển hình tiên tiến xuất sắc. Tiếp tục phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nửa đầu nhiệm kỳ đã phát huy, áp dụng 97 sáng kiến cải tiến vào sản xuất, làm lợi 102 tỷ đồng. Các phong trào “người trồng rừng giỏi”, phong trào “xanh – sạch – đẹp thi đua bảo đảm ATVSLĐ, PCCN, PCCR”, phong trào nữ CNVC lao động “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục được phát huy đã có tác dụng tốt trong tổ chức phong trào CNVCLĐ, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao với kết quả tốt nhất, góp phần cùng đơn vị tìm đủ việc làm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách với CNVCLĐ.

Công đoàn Giấy và Bột Giấy Việt Nam phối hợp với Tổng giám đốc Tổng công ty tổ chức hội thảo chuyên đề trồng cây nguyên liệu giấy năng suất cao và phát triển kinh tế gia đình lần thứ 2, tổng kết kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trồng cây nguyên liệu giấy.

Tiếp tục tuyên truyền chủ động, đường lối, pháp luật; tuyên truyền thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; thực hiện chương trình tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí. Tăng cường các hoạt động văn nghệ, thể thao, phối hợp với tổng công ty tổ chức Hội thao, Hội diễn nghệ thuật quần chúng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Tổng công ty (29/4/1994 – 29/4/2009).

Chú trọng công tác ổn định tổ chức, tập huấn bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng công đoàn các cấp vững mạnh, tiếp tục tuyên truyền kết nạp đoàn viên mới, trong đó có đoàn viên công đoàn danh dự là nhân dân nhận khoán trồng cây nguyên liệu giấy với các Công ty Lâm nghiệp.

Nối tiếp chặng đường đã đi, từ Đại hội Công đoàn Tổng công ty lần thứ IV (năm 2013), thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, BCH Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tổ chức lãnh đạo các công đoàn cơ sở trong toàn hệ thống thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Công đoàn đã Phối hợp với chính quyền các đơn vị tổ chức Đại hội CNVC, Hội nghị NLĐ tại các Doanh nghiệp cũng như tổ chức tốt các kỳ đại hội CNVC và hội nghị NLĐ cấp Tổng công ty. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở,  tham gia tích cực xây dựng nội quy, quy chế, ký kết thỏa ước Lao động tập thể, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất xuất kinh doanh của đơn vị cũng như toàn Tổng công ty. Thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý doanh nghiệp.

          Đặc biệt là việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề về nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia tích cực vào quá trinh đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước.

          Chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động Công đoàn Tổng công ty. Các cấp công đoàn Thường xuyên phối hợp với chuyên môn tổ chức việc kiểm tra giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động.

          Quan tâm đến đời sống của các gia đình chính sách, người lao động nghèo, con em CBCNV…, Công đoàn Tổng công ty đã có nhiều hoạt động động thăm hỏi nhân dịp tết nguyên đán, tháng công nhân, ngày thương binh liệt sỹ, khen thưởng các cháu con CBCNV đạt thành tích xuất sắc trong học tập, trợ cấp học phẩm cho con em CBCNV các đơn vị khó khăn nhân dịp khai giảng năm học mới, đã trích quỹ xã hội để hỗ trợ xây 310 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho CNVC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Không chỉ quan tâm đến đời sống người lao động trong ngành, Công đoàn Tổng công ty còn vận động CBCNV hưởng ứng nhiệt tình trong phong trào ủng hộ từ thiện, các đối tượng chính sách, nuôi dưỡng bà mẹ VNAH, ủng hộ đồng bào bão lụt, phụ nữ trẻ em nhiều tỷ đồng.

          Công đoàn Tổng công ty đã chủ động hoặc phối hợp cùng với hội đồng thi đua Tổng công ty phát động các phong trào thi đua lao động giỏi, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá trong sản xuất, phong trào tiết kiệm, phong trào đảm bảo An toàn – Vệ sinh lao động. Tổ chức tổng kết khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu.

          Tổ chức tuyền truyền giáo dục Chính trị tư tưởng cho Người lao động, từng bước xây dựng đội ngũ CNVCLĐ phát huy sức mạnh nhân tố con người được thực hiện một cách liên tục. Tăng cường các hình thức tuyên truyền giáo dục, phối hợp tổ chức thực hiện cuộc vận động: “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

          Xây dựng phong trào hoạt động văn hóa thể thao sôi nổi, rộng khắp. Tham gia cùng với đơn vị xây dựng, quản lý các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh.

          Tổ chức tốt các hoạt động công tác nữ CNVC LĐ và xây dựng phong trào nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền và thực hiện luật Bình đẳng giới, luật Phòng chống bạo lực gia đình và chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Coi trọng việc kiện toàn tổ chức đưa hoạt động Công đoàn đi vào nền nếp, tổ chức tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có trình độ nghiệp vụ, năng lực cao đáp ứng được yêu cầu của hoạt động Công đoàn góp phần xây dựng Công đoàn các cấp vững mạnh.

Với kết quả hoạt động nỗ lực của cán bộ đoàn viên, sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động với doanh nghiệp, giữa Công đoàn với chính quyền đã khẳng định vai trò vị trí của Công đoàn Tổng công ty và hệ thống các Công đoàn cơ sở trực thuộc. Công đoàn TCT Giấy VN liên tục  được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc toàn diện, được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba năm 2002 (QĐ 70-KT/CT ngày 24/01/2002), huân chương lao động hạng Nhì năm 2007 (QĐ 441-QĐ/CTN ngày 19/05/2007) và huân chương lao động hạng Nhất năm 2016 (QĐ 1261/QĐ-CTN ngày 23/06/2016).

25 năm qua là chặng đường Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ với tiêu chí: ĐOÀN KẾT – ĐỔI MỚI – DÂN CHỦ -TRÁCH NHIỆM – VÌ LỢI ÍCH ĐOÀN VIÊN VÀ DOANH NGHIỆP.

                                                                   Nguyễn Xinh

                                                          Lược ghi lại vào tháng 01/2021



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons