18 Th8 Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2021): Mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam
Chúng ta đang sống trong những ngày Tháng Tám. Những ngày lịch sử vẻ vang này là một mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tinh thần bất diệt của những ngày vẻ vang đó luôn luôn cổ vũ, động viên chúng ta vượt lên mọi khó khăn thách thức để tiến lên phía trước.
Cách đây 76 năm, dân tộc Việt Nam bắt đầu bước vào kỷ nguyên tự do, độc lập. Chính quyền non trẻ và nền độc lập của dân tộc Việt Nam được xác lập bởi sức mạnh vô song của lòng dân muôn người như một: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết hợp thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”(1)
.
Sau cuộc míttinh tại quảng trường thành phố, nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc bộ Phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Nguồn: Noichinh.vn
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội, giành chính quyền về tay nhân dân. Với khí thế tiến công như sấm rung, chớp giật, cả dân tộc từ Bắc đến Nam, triệu người như một, nhất tề vùng lên đưa cuộc Tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn, viết nên một chương mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu hiện mẫu mực của khoa học và nghệ thuật chính trị dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, trong đó nổi bật là khoa học, nghệ thuật chủ động chuẩn bị lực lượng, nắm bắt mau lẹ và chớp thời cơ một cách quyết đoán, hiệu quả.
Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã có chủ trương, đường lối đúng đắn, vạch ra con đường đi đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(2). Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành thắng lợi từng bước trong hai cuộc tổng diễn tập đầu tiên 1930-1931, 1936-1939. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra cơ sở, tiền đề vững chắc để nhân dân tin tưởng, đi theo tiếng gọi của Đảng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng lớn để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa long trời, lở đất, có ý nghĩa lịch sử. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là biểu tượng rực rỡ của tinh thần yêu nước nồng nàn, của ý chí quật cường không chịu mất nước, không cam làm nô lệ và khát vọng tự do, hòa bình ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm; đồng thời, là thắng lợi của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Ðảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức và rèn luyện với tầm nhìn xa, trông rộng đã dự báo chính xác thời cơ cách mạng; tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng; dựa vào lực lượng toàn dân; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đi từ khởi nghĩa toàn phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, Ðảng ta kịp thời phát động toàn dân, triệu người như một, vùng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến, áp bức, bóc lột, lập nên chính quyền cách mạng do nhân dân làm chủ trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập tự do. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi cùng với bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và tuyên đọc đã khai sinh ra chế độ dân chủ cộng hòa của Việt Nam.
Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô cùng quý báu của Cách mạng Tháng Tám là hành trang, động lực tinh thần mạnh mẽ, thôi thúc toàn dân và toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng suốt 30 năm, đánh thắng các thế lực ngoại xâm hung bạo của thời đại; vượt qua muôn trùng hiểm nguy để lập nên những chiến công hiển hách mà đỉnh cao là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá, đó là: bài học về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; bài học về vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để đưa đất nước tiến lên… Song, có lẽ trong thời điểm hiện nay, bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân vẫn là bài học thiết thực nhất. Thực tiễn cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng 91 năm qua đã minh chứng rõ điều đó. Chèo thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, các bậc tiền bối đã dạy và cảnh báo cháu con như thế.
Ngày nay, người Việt Nam ai cũng thuộc lòng lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Có dịp mở những trang Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ đều thấy Đảng ta rất coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng ta đã dựa vào sức dân, huy động sức mạnh toàn dân tộc lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Như vậy, vai trò của nhân dân mang tính quyết định cho mọi cuộc cách mạng, là chìa khóa mở đường cho mọi cuộc cách mạng mà tưởng chừng khó vượt qua được.
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bài học xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng thiết thực. Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng đã thể hiện rõ: trước hết phải khơi dậy được tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Những người nông dân hôm nay lại tiếp tục bám ruộng, bám rừng, bám biển… để làm giàu cho đất nước. Hạt gạo của đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng đã vừa làm ấm lòng gần 100 triệu dân cả nước, giúp đất nước vượt qua những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực trong những lần suy thoái; vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 với 04 đợt dịch diễn biến phức tạp; những thắng lợi trong chính sách ngoại giao đổi mới và bản lĩnh Việt Nam đã đưa Việt Nam nâng lên tầm mới… có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới. Ðất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; đồng bào ta có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc như hằng mong ước của Bác Hồ. Uy tín và vị thế nước ta được nâng cao trên trường quốc tế, nhân dân ta đang viết tiếp những trang sử vàng của thời kỳ mới.
Cách mạng Tháng Tám – mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam đã, đang và luôn luôn tỏa sáng, thôi thúc đất nước ta, nhân dân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đang nỗ lực hướng tới phát triển bền vững; vượt qua khó khăn, thử thách cùng chung sức phòng, chống dịch Covid-19 thành công; vượt qua những điểm nghẽn của phát triển bằng những đột phá, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, phát huy dân chủ mạnh mẽ; giáo dục cán bộ, đảng viên thật sự tiền phong, gương mẫu, rèn đức luyện tài, nâng cao bản lĩnh, đề cao trách nhiệm trước xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, giáo dục, bồi dưỡng và phát triển lòng yêu nước của thanh niên ngày nay hướng về biển đảo, bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc; hướng thanh niên tích cực tham gia các hoạt động có ý nghĩa như viết thư gửi các chiến sỹ cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại các đảo, nhất là đảo Trường Sa; quyên góp ủng hộ các chiến sĩ đang tham gia bảo vệ hải đảo, thăm hỏi và giúp đỡ thân nhân của các gia đình chiến sỹ; tham gia các diễn đàn, sáng tác các tác phẩm… thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ths Nguyễn Thanh Hoàng
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, t.7 tr. 38
(2) Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 2, tr. 2