Cảnh báo rủi ro, hệ lụy từ tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư tiền ảo, tài sản ảo

Cảnh báo rủi ro, hệ lụy từ tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư tiền ảo, tài sản ảo


Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

“Rộ” xu hướng mua bán, giao dịch kinh doanh tiền ảo

Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi. Mới đây nhất, cơ quan công an TP. Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo về một chiêu thức lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.

Trong đó, một trong các thủ đoạn của các đối tượng là hướng dẫn người dân truy cập vào App Store và CH Play để tải về các phần mềm của các sàn chứng khoán trên điện thoại do chính công ty chứng khoán phát hành để đầu tư.

Thực tế cho thấy, tình trạng này đang có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn, chẳng hạn như: Sàn giao dịch Rforex thông qua trang web www.rforex.com tại TP. Hà Nội; Sàn giao dịch Emrfx thông qua trang web www.emrfx.com tại tỉnh Nghệ An…

Theo thông tin từ các cơ quan công an, nhìn chung các sàn giao dịch này thường có cùng một số đặc điểm tương đồng, chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập.

Các đối tượng này lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư các kênh đầu tư (mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option) với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản (có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỷ giá…).

Pháp luật chưa quy định về hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo

Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an nắm bắt về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Liên quan đến hoạt động giao dịch tiền ảo, UBCKNN cho biết, về mặt pháp lý, hiện tại, chỉ có Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

UBCKNN cũng khuyến cáo, theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán. Như vậy, việc tiền ảo nếu được giao dịch như các loại chứng khoán là không hợp pháp.

Cảnh báo, nâng cao nhận thức về tài sản ảo, tiền ảo trái pháp luật

Ngày 29/01/2018, UBCKNN đã có thông báo trên cổng thông tin điện tử của UBCKNN khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.

Đồng thời, ngày 20/7/2018, cơ quan này tiếp tục có Công văn số 4486/UBCK-GSĐC đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính (UBCKNN) sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Theo Tạp chí Tài chính online



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons