Sản xuất chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn

Sản xuất chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn

Mặc dù tổng hàm lượng của các chất trích ly chiếm ít hơn 3,5% đối với hầu hết các loài gỗ nhưng điều này lại gây ra những vấn đề lớn cho các nhà máy sản xuất bột giấy và giấy như làm bẩn chăn lưới, kết bám trên thiết bị,…

Nhựa cây (chất trích ly) là nhóm các hợp chất có thể hòa tan được trong nước hoặc dung môi hữu cơ trung tính, như etanol, axeton, ete etylic,…. Chúng có thành phần rất phức tạp, bao gồm hàng trăm hợp chất có cấu tạo phân tử khác nhau, với những nhóm chức khác nhau.

Mặc dù tổng hàm lượng của các chất trích ly chiếm ít hơn 3,5% đối với hầu hết các loài gỗ nhưng điều này lại gây ra những vấn đề lớn cho các nhà máy sản xuất bột giấy và giấy như làm bẩn chăn lưới, kết bám trên thiết bị…

Để khắc phục vấn đề này, năm 2017, Bộ Công Thương đã giao Viện Công nghệ sinh học thực hiện đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam” do TS. Phan Thị Hồng Thảo làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

TS. Phan Thị Hoàng Thảo – Chủ nhiệm đề tài

Trong tháng 10/2019, đoàn công tác Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra định kỳ đề tài. Tại thời điểm kiểm tra, nhóm thực hiện đã hoàn thành nghiên cứu, đánh giá tổng quan công nghệ, thiết bị và khả năng ứng dụng nấm để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo và bạch đàn; đồng thời tuyển chọn các chủng nấm có khả năng phân hủy nhựa cây trên nguyên liệu gỗ keo và bạch đàn. Từ 85 chủng nấm được phân lập có khả năng phân hủy nhựa cây từ Nhà máy Giấy Bãi Bằng và Nhà máy Giấy Mục Sơn, đề tài đã lựa chọn các chủng nấm VCĐ4, TĐ36, TĐ95, B68, BB29, MS2, BBN8, BBK8, OP, OP2, CS1 và CS2 để khảo sát.

Lấy mẫu phân lập tại Nhà máy Giấy Bãi Bằng và Nhà máy Giấy Mục Sơn

Bên cạnh đó, nhóm thực hiện đã nghiên cứu đánh giá khả năng phát triển chế phẩm của các chủng nấm lựa chọn. Kết quả cho thấy các chủng nấm lựa chọn không ức chế lẫn nhau, không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây keo và bạch đàn con trong điều kiện lây nhiễm nhân tạo. Các chủng nấm tuyển chọn cũng không làm giảm trọng lượng tổng và hàm lượng cellulose trên gỗ nhiều hơn so với đối chứng nhưng đều làm giảm trên 50% nhựa cây tổng, làm giảm hàm lượng axit béo và axit nhựa so với mẫu đối chứng.

Đánh giá ảnh hưởng của các chủng nấm lên sinh trưởng của cây keo trong xâm nhiễm nhân tạo.

Báo cáo tại buổi kiểm tra, TS. Phan Thị Hồng Thảo cho biết đề tài đã phối hợp thực hiện với Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo trong quá trình tổ chức sản xuất chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong nguyên liệu gỗ keo và bạch đàn quy mô pilot để bước đầu ứng dụng ở quy mô công nghiệp. Theo đó, 1 tấn sản phẩm chế phẩm được sản xuất đạt đủ khối lượng theo đăng ký để thử nghiệm và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 – Quatest 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) kiểm nghiệm.

Các chế phẩm sinh học phân hủy nhựa cây của đề tài

“Tiến hành so sánh chế phẩm của đề tài sản xuất được với chế phẩm thương mại Cartapip 97 của công ty Parrac Ltd. (New Zealand) dùng để xử lý nguyên liệu gỗ thông tại các thời điểm khác nhau, kết quả cho thấy khi sử dụng chế phẩm đề tài sản xuất thì hàm lượng nhựa giảm so với mẫu đối chứng đều cao hơn so với chế phẩm Cartapip 97”, TS. Phan Thị Hồng Thảo nhấn mạnh.

Một trong những chế phẩm của đề tài sản xuất được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 – Quatest 1 kiểm nghiệm đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Kết luận tại buổi kiểm tra, thay mặt đoàn công tác Bộ Công Thương, TS. Dương Xuân Diêu – Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ đánh giá tổ chức chủ trì và nhóm thực hiện đã nghiêm túc thực hiện các nội dung mà đề tài đã đăng ký. Các chuyên đề hoàn thành đủ số lượng, sản phẩm dạng II, III đạt yêu cầu. TS. Dương Xuân Diêu đề nghị nhóm thực hiện tiếp thu các góp ý của Tổ chuyên gia, chỉnh sửa nội dung một số chuyên đề, bổ sung bản vẽ mô hình, khẩn trương đẩy nhanh thực hiện các nội dung còn lại để tiến hành nghiệm thu theo đúng tiến độ.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương

Đăng lúc 18/02/2020 09:13


Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons