TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM: SẢN XUẤT ĐI ĐÔI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM: SẢN XUẤT ĐI ĐÔI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Giới thiệu sơ lược về Tổng công ty

Hình thành từ năm 1976, sau nhiều lần thay đổi tên gọi, cơ cấu tổ chức để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ đất nước đến ngày 29/04/1995 theo Quyết định số 256/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Giấy Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các đơn vị sản xuất, lưu thông, sự nghiệp về ngành giấy thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ và các đơn vị sản xuất kinh doanh nguyên liệu giấy thuộc Bộ lâm nghiệp và các địa phương.

Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) không ngừng phát triển lớn mạnh, với quy mô gồm: 14 Phòng, Ban chức năng; 20 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 1 đơn vị sự nghiệp khoa học, 7 đơn vị hạch toán báo sổ, 1 công ty con và 7 công ty liên kết.

Với hệ thống công nghệ hiện đại và đội ngũ CBCNV lành nghề, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy, cùng với chiến lược đầu tư mở rộng, phát triển toàn diện, VINAPACO đã khẳng định được vị thế ngày càng vững chắc trong ngành công nghiệp giấy Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Công tác bảo vệ môi trường đặt lên hàng đầu

Trong công tác Bảo vệ môi trường, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Tổng công ty đã tổ chức lập các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), định kỳ quan trắc, kiểm soát ô nhiễm môi trường Tổng công ty Giấy Việt Nam luôn được các cơ quan nhà nước đánh giá cao trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Thường xuyên áp dụng sản xuất sạch hơn tại tất cả các phân xưởng sản xuất bằng việc tăng cường các biện pháp quản lý nội vi, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tiết kiệm trong sản xuất như: sử dụng tiết kiệm năng lượng, điện, nước sạch, vật tư nguyên liệu và phát huy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhằm tối ưu hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải ngay tại nguồn phát sinh.

Hợp đồng với cơ quan có đủ chức năng chuyên môn và tư cách pháp nhân về lấy mẫu phân tích, kiểm tra toàn bộ các thông số ô nhiễm của các nguồn thải ra môi trường theo đúng quy định của Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường số 70/GXN-TCMT ngày 11/8/2016 và Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 532/GP-BTNMT ngày 13/02/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kết quả cho thấy hầu hết các thông số ô nhiễm của các nguồn thải đều đáp ứng các quy chuẩn môi trường cho phép.

Tổng công ty đã hoàn thiện việc khảo sát, lắp đặt, chuyển giao công nghệ và hướng dẫn vận hành thiết bị quan trắc tự động cho hệ thống xử lý nước thải. Tổng công ty đã làm công văn số 326/GVN-KT.PT ngày 28/6/2019 về việc đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường cấp địa chỉ IP để thực hiện việc kết nối, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý, dự kiến hoàn thành trong quý 3/2019. Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý đối với hai nguồn khói thải ra môi trường.

Riêng công tác quản lý các loại chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt đều được nhà máy đặc biệt quan tâm. Tổng công ty Giấy Việt Nam đã xây dựng kho lưu giữ chất thải nguy hại phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của quy định hiện hành như: Có mái che, tường bao quanh, nền lát bằng bê tông, có hệ thống thu gom nước, rác và có treo biển cảnh báo và thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Đặc biệt, Tổng công ty đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015, vì vậy các vấn đề môi trường nảy sinh trong hoạt động của đơn vị đều được kiểm soát chặt chẽ, mang tính hệ thống, đảm bảo tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường.

Thường xuyên tổ chức hoạt động vì môi trường

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày môi trường thế giới, Tuần lễ Biển, Hải đảo Việt Nam và Ngày đại dương thế giới năm 2019 cụ thể: treo băng rôn, khẩu hiệu với các nội dung chủ đề về môi trường nhằm nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức cùng hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học, không buôn bán tiêu thụ động thực vật hoang dã; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu, năng lượng trong sản xuất và trong sinh hoạt; phát động ngày lao động xanh tại các đơn vị như: khơi thông cống rãnh, vệ sinh sạch sẽ, phát quang bờ bụi gần nơi làm việc; trồng thêm cây xanh tại các đơn vị trong Tổng công ty.

Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy và đảm bảo an toàn cho người, thiết bị trong quá trình sản xuất ở Tổng công ty được Ban Tổng Giám đốc luôn đặt lên hàng đầu. Hàng năm, Tổng công ty xây dựng kế hoạch và trang cấp đầy đủ số lượng BHLĐ, thiết bị đảm bảo an toàn, thiết bị PCCC như các bình bọt chữa cháy, khẩu hiệu, vòi họng cứu hỏa tại các cửa xưởng, thùng cát cũng như cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân. Định kỳ, tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ cho người lao động theo đúng Thông tư số 27 ngày 18/10/2013 của Bộ LĐ-TB&XH cho 100% lao động. Ban Tổng Giám đốc và các cơ quan chức năng đang hoàn thiện quy trình giám sát, quản lý tích hợp đầy đủ 3 yếu tố an toàn – sức khỏe – môi trường. Đây là một việc làm cần thiết Tổng công ty giấy Việt Nam vừa sản xuất, vừa bảo vệ môi trường bền vững với phương châm hoạt động “ không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”./.

Nguồn: Tạp chí Môi trường

Đăng lúc 10/09/2019 15:45


Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons