16 Th7 Từ tư tưởng hội nhập kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ về vai trò Tham tán thương mại
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế trong việc xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Có thể nói, trong khi coi nội lực là yếu tố quyết định để phát triển đất nước trong mọi hoàn cảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thực tiễn vô cùng sôi động và phong phú của chặng đường 30 năm “đi tìm hình của nước” (ý thơ Chế Lan Viên) với tầm nhìn vượt thời đại cùng nhãn quan chính trị vô cùng sắc sảo đã sớm khẳng định vai trò của sự hợp tác và hội nhập quốc tế trong việc tạo ra những động lực phát triển đất nước.
Những điều này được thể hiện tập trung tại “Lời kêu gọi năm Liên hợp quốc” được Người viết cuối năm 1946. Bối cảnh lúc đó như Lời kêu gọi viết: “Đã hơn một tháng nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bị đặt trong một cuộc xung đột vũ trang gây ra bởi các lực lượng Pháp là những lực lượng được đón tiếp thân ái trên xứ sở này khi họ vào giải giáp quân đội Nhật”. Mục đích của Lời kêu gọi này là: “Tôi (Chủ tịch Hồ Chí Minh – PV) có trách nhiệm thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu Đại Anh Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước đồng minh khác trình bày trước Liên hợp quốc về cuộc xung đột và xin tố cáo những nguyên nhân và trách nhiệm về cuộc xung đột này”.
Giữa bối cảnh đất nước cực kỳ phức tạp như thế, thật không khỏi ngạc nhiên khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tìm thấy đó như một cơ hội để khẳng định nguyện vọng hợp tác, hội nhập của nước Việt Nam mới. Người khẳng định: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ năm 1967 Ảnh: tư liệu
Theo tư tưởng của Người, hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, khoa học – công nghệ, thị trường nhằm phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung mỗi nước, mỗi dân tộc.
Có thể nói, đây là văn kiện chính thức đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về hội nhập kinh tế quốc tế với đầy đủ nội hàm và nguyên vẹn giá trị cho đến ngày hôm nay. Không những vậy, đó còn là những tư tưởng hết sức tiến bộ, xuất hiện còn sớm hơn nhiều văn kiện hợp tác và hội nhập kinh tế mà thế giới theo đuổi sau này.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của công tác hội nhập nói chung và hội nhập kinh tế nói riêng để đem lại những nguồn lực đưa Việt Nam phát triển và vững bước đi cùng dòng chảy, xu thế của thời đại.
Đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới đất nước, sự nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng củng cố vị thế, hình ảnh của đất nước Việt Nam. Từ một quốc gia bị cô lập, bị bao vây, Việt Nam đã thiết lập được những mối quan hệ kinh tế song phương và đa phương với tất cả các nền kinh tế phát triển, với các khu vực thị trường có tốc độ có sự phát triển sôi động.
Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia nằm trong nhóm quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài. Dòng chảy hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thông qua các FTA song phương, đa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu, thúc đẩy sản xuất trong nước, qua đó nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong dòng chảy hội nhập kinh tế đó, không thể không nhắc đến những “sứ giả”, những “ăng-ten” luôn hành động vì lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp cũng như góp phần không nhỏ vun đắp cho mọi sự nảy nở của các ý tưởng hợp tác. Đó là các Tham tán thương mại Việt Nam dù ở bất cứ chân trời thị trường nào vẫn luôn cần mẫn không chỉ trong thực thi nhiệm vụ mà còn đem lại những tầm cao mới cho hình ảnh, cho hàng hoá mang thương hiệu Việt Nam.
Luôn nắm vững phương châm lấy thành công của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam làm kim chỉ nam cho hành động của mình, đội ngũ Tham tán thương mại của Việt Nam luôn chủ động nắm bắt các diễn biến tại thị trường sở tại, từ đó kịp thời khuyến nghị chính sách về thị trường cho Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thị trường, chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của các nước được làm ngày một bài bản hơn để hướng tới mục tiêu làm tốt công tác tham mưu với Bộ Công Thương đề xuất với Đảng, Nhà nước có các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp từ sớm, từ xa.
Cùng đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung phục vụ có hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại luôn có sự đều tay, chắc phương án.
Đặc biệt, vai trò hình ảnh của các Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước đã trở nên gần gũi hơn, thân thuộc hơn với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương trong nước khi từ tháng 7/2022 đến nay, cứ vào ngày cuối hàng tháng, Bộ Công Thương duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do một lãnh đạo Bộ trực tiếp chủ trì. Đây là một phương thức xúc tiến thương mại hết sức hiệu quả, được các bộ, ngành, các địa phương hoan nghênh và đánh giá rất cao.
Sự gặp gỡ, trao đổi hai chiều mang tính khoa học, thực tiễn giữa đại diện các địa phương, doanh nghiệp với hệ thống Thương vụ Việt Nam cùng các Tham tán đã tạo ra một không gian mới cho việc lan toả những thông tin cập nhật nhất, sát sườn nhất với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể thêm cơ sở nối dài, chắp cánh cho những sở trường, lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá Việt vững bước trên đường xa thị trường.
Bối cảnh kinh tế thế giới không phải lúc nào cũng thuận lợi, những chuyến đi của hàng hoá Việt Nam bên cạnh những lợi thế còn có cả những rủi ro, bất trắc. Giữa những lúc như thế, luôn sáng lên hình ảnh, niềm tin từ những người Tham tán thương mại không ngại nỗi xa cách quê hương, gia đình đang từng ngày kiên trì, cần mẫn mở ra những lối đi, hướng đi mới cho hàng hoá, cho hình ảnh đất nước. Ở những phương trời xa ấy, vẫn có những sứ giả kinh tế, những con cháu Bác Hồ luôn tâm niệm những tư tưởng về hội nhập quốc tế của Người, luôn vì quyền lợi đất nước để từ đó làm tốt hơn công việc của mình.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế.
Theo Báo Công Thương
|