Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham: Vì cuộc sống ấm no của đồng bào dân tộc ít người

Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham: Vì cuộc sống ấm no của đồng bào dân tộc ít người

Là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, Bắc Quang có địa hình tương đối phức tạp. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày, La Chí, Mông, Nùng. Và diện tích đất có khả năng sử dụng vào mục đích lâm nghiệp chiếm xấp xỉ 78% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, chủ yếu là rừng trồng cây nguyên liệu giấy.

Đồng hành cùng đồng bào dân tộc ít người

Thành lập năm 1961, trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham có 3 đơn vị sản xuất đóng trên địa bàn 10 xã, 2 thị trấn của huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang. Với tổng số 89 CBCNV, hàng năm, Công ty đảm nhiệm trồng mới 180-200ha, chăm sóc , quản lý, bảo vệ, khai thác 550-600 ha rừng, bình quân 14.000-15.000 m3 gỗ, cung cấp nguồn nguyên liệu cho hoạt động của Tổng công ty Giấy Việt Nam. Với số lượng khai thác như vậy, doanh thu bình quân của Công ty đạt khoảng 20 tỉ đồng/năm. Năm 2016, thu nhập bình quân người lao động đạt 5,5 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng. Đây là một trong những công ty có mức thu nhập bình quân tương đối khá trong Tổng công ty về trồng rừng.

Điều đặc biệt ở chỗ, Cầu Ham là đơn vị duy nhất của Tổng công ty có tới hơn 50% người lao động là đồng bào dân tộc ít người. Do đó, Công ty được hưởng ưu đãi trong 5 năm hỗ trợ tiền thuê đất, bảo hiểm, chi phí khác… theo Quyết định 42 và Thông tư 52 (Quyết định 42/2012/QĐ-TTg, ngày 08/10/2012, Về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Thông tư 52/2013/TT-BTC, ngày 03/5/2013 Hướng dẫn hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Giám đốc Nguyễn Văn Thuận chia sẻ, như thế, mỗi năm Công ty được Nhà nước hỗ trợ thêm 700 triệu đồng. Chưa kể, với 2.200 ha đất mà Công ty đang quản lý, nếu phải nộp tiền thuế đất thì cũng là một số tiền không nhỏ. Việc Công ty được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người lao động của Công ty. Bởi trồng cây nguyên liệu giấy có thể hiệu quả kinh tế chưa cao, nhưng lại giải quyết vấn đề xã hội, nhất là tạo việc làm cho đồng bào dân tộc ít người.

Gắn bó với nghiệp trồng rừng đã 37 năm, ông Thuận hiểu rõ thế nào là lợi thế của đồng bào dân tộc ít người khi được canh tác trên đất đai quê hương mình. Tức là khi mùa vụ đến, người công nhân có thể huy động cả nhà hỗ trợ. Hay một người làm nhưng cả họ bảo vệ rừng. Nhà cửa có sẵn, ngoài trồng rừng vẫn có thể tăng gia sản xuất vườn ao chuồng cải thiện đời sống. Chưa kể, việc tranh chấp đất đai vốn là vấn đề nóng nhất tại các địa phương, nhưng khi người dân tộc làm chủ, chính quyền địa phương cũng rất tạo điều kiện để Công ty hoạt động với mục tiêu chung vì cuộc sống ấm no của người dân tộc.

Đặng Văn Trịnh là công nhân đội II, Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham tại thôn Nậm Moòng, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Học hết lớp 8, Trịnh ở nhà làm ruộng và chăm lo vườn ao chuồng. Năm 2013, Trịnh đầu quân làm công nhân của Cầu Ham. Rừng gần nhà hết, Trịnh phải chấp nhận sang đội Đồng Tâm làm xa nhà từ 14-20 cây số. Tuy vất vả nhưng theo bố Trịnh – ông Đặng Văn Thanh thì vì làm rừng là khoán sản phẩm nên nếu mình chịu khó chăm bón, bảo vệ đúng cách sẽ có lợi nhuận. Chưa kể, Trịnh vừa được nhận 30 triệu đồng do Công đoàn Công Thương Việt Nam tài trợ trong chương trình “Mái ấm Công đoàn” nhân Tháng Công nhân. Và vì thế, người dân ở đây ai cũng yêu rừng, yêu những cây nguyên liệu giấy mà cả gia đình hàng ngày chăm bón, nâng niu.

Vượt khó chăm lo cuộc sống người lao động

Ông Lương Văn Thành – Phó giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham cho biết, giai đoạn vừa qua Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Do Công ty thực hiện nhiều dự án theo hướng trồng rừng vốn vay. Giai đoạn 2014-2017, Công ty đã đầu tư hơn chục tỉ đồng, đến nay, tất cả các dự án đã thực hiện xong, nhưng lại chưa được giải ngân nên gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, tiếng là vốn vay ưu đãi nhưng giải ngân chậm nên Công ty vẫn phải huy động vốn ở ngoài, do đó vốn không còn ý nghĩa ưu đãi thực sự nữa.

Mặc dù vậy, được sự hỗ trợ của Tổng công ty, Công ty vẫn tạo điều kiện lo đầy đủ cho người lao động từ đóng BHXH, đến trang cấp bảo hộ lao động theo đúng qui định, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với dịch vụ chất lượng cao. Đời sống người lao động được nâng cao với mức thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, Công đoàn còn tổ chức các phong trào thi đua vận động anh chị em nhận đất, nhận rừng theo kế hoạch, thi công trồng rừng đạt tiến độ theo qui trình và trong khâu khai thác thi đua hoàn thành kế hoạch quí.

Hoạt động thể dục thể thao cũng được lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm, nhằm rèn luyện, nâng cao sức khỏe cho CBCNV thông qua thành lập các câu lạc bộ. Hàng năm, Công ty đều có 2 đợt giao lưu cầu lông, bóng chuyền vào dịp 30/4-1/5 và 2/9 do chính quyền hỗ trợ kinh phí tổ chức. Hàng ngày, vào các buổi chiều, ai nhiệt tình tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao, Công ty cho nghỉ trước 30 phút xuống sân giao lưu, ai không tham gia thì làm việc đến hết giờ về. Do đó, hoạt động thể dục thể thao của Công ty khá sôi nổi, các câu lạc bộ của Công ty tham gia các giải đấu của huyện đều giành giải và hoạt động khá thuận lợi.

Nhờ quan tâm đến người lao động nên Công ty có mối đoàn kết nội bộ cực tốt. Nhiều năm qua, Công ty không phải giải quyết đơn thư khiếu nại, đặc biệt là khi Công ty chuẩn bị cổ phần hóa, 100% người lao động yên tâm ở lại khi chuyển đổi sang hình thức quản lý mới. Năm 2011, Công ty đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Hồ Nga – Tạp chí Công Thương



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons