Diễn đàn định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp Giấy Việt Nam

Diễn đàn định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp Giấy Việt Nam

Ngày 21/3/2019, Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam (VPPA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp Giấy Việt Nam tại Hội trường Tổng công ty Giấy Việt Nam – 25 Lý Thường Kiệt – Hà Nội. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý chức năng Nhà nước ở Trung ương và địa phương; các Hiệp hội và Doanh nghiệp liên quan; Viện nhiên cứu, các đơn vị đào tạo về giấy cùng với hơn 20 doanh nghiệp lớn bao gồm tất cả các doanh nghiệp FDI, các đơn vị tư vấn ngành giấy tham dự.

Ông Nguyễn Việt Đức – Tổng giám đốc TCT Giấy Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phát biểu khai mạc

Diễn đàn lần này là cơ hội để các doanh nghiệp ngành giấy trao đổi cởi mở, thẳng thắn, xác định cơ hội, thách thức từ đó đưa ra những giải pháp định hướng phát triển cho ngành giấy. Nói về vai trò ngành giấy, đồng chí Hoàng Trung Sơn – Phó Chủ tich VPPA cho biết: Ngành giấy là một ngành sản xuất nguyên liệu quan trọng có quan hệ mật thiết với nền kinh tế quốc dân và với sự phát triển của xã hội. Thực tế, ngành giấy đã đáp ứng nhu cầu đa dạng trong cuộc sống như: giấy bao bì dùng trong đóng gói; giấy in, giấy viết dùng trong văn phòng, hoạt động giáo dục; giấy tissue dùng làm khăn ăn, khăn mặt, giấy vệ sinh…Ngành công nghiệp giấy còn hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác phát triển như: điện thoại và các linh phụ kiện, may mặc, giày dép, điện tử – điện lạnh, đồ gia dụng, máy quay phim và ảnh, máy móc và thiết bị dụng cụ khác…thông qua cung cấp các sản phẩm bao bì giấy, bao bì mềm nền tảng từ giấy, tem nhãn, mác, sách hướng dẫn sản phẩm, đóng gói sản phẩm… Với số lượng tiêu thụ lớn các sản phẩm giấy, ngành giấy đã đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo báo cáo tại diễn đàn, sản xuất ngành công nghiệp giấy đóng góp khoảng 1,5% GDP , kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD năm 2018 và dự kiến 1,4 tỷ USD năm 2019.

Diễn đàn cũng đã chỉ rõ cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp giấy Việt Nam. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ giấy khá lớn. Cụ thể, tiêu thụ giấy bình quân của Việt Nam còn rất thấp, mới đạt 50,7 kg/người /năm so với mức tiêu thụ bình quân của thế giới là 70kg/người/năm.Mặc dù sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số làm giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo nhưng lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc giấy bao bì. Trong những năm gần đây, giấy bao bì được sử dụng rộng rãi trong việc đóng gói thực phẩm, làm túi giấy mua sắm thời trang hay thùng cactong để đóng hàng và phục vụ hàng loạt nhu cầu khác. Hơn nữa, nguồn dăm gỗ dồi dào, giao thông thuận lợi, chi phí nhân công thấp tạo điều kiện thuận lợi cho ngành giấy phát triển. Tuy nhiên, để ngành giấy phát triển bền vững, ngành giấy còn đang đối mặt nhiều thách thức. Tại diễn đàn, các diễn giả cũng chỉ rõ hiện nay ngành giấy chưa có chiến lược phát triển ngành, công tác chuẩn bị chiến lược đầu tư chưa bài bản, liên kết doanh nghiệp trong ngành còn yếu; sức cạnh trạnh kém so với các nước trong khu vực do quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chưa phát huy hết được diện tích đất trồng, thị trường nguyên liệu giấy thu hồi lệ thuộc nhiều vào tình hình và chính sách của Trung Quốc dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Thị trường Việt Nam sẽ là sân chơi chính cho các Công ty và tập đoàn lớn. Đầu tư FDI tăng nhanh nhưng lại tập trung vào sản phẩm giấy bao bì đã và sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt.

Trước thực trạng về ngành giấy, các ý kiến tham luận tại diễn đàn đã đưa ra những giải pháp cụ thể cũng như những kiến nghị cho định hướng phát triển ngành giấy như: Nhà nước cần coi công nghiệp sản xuất giấy và tái chế giấy là ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, do nguồn nguyên liệu có thể tái tạo được đồng thời, có chính sách khuyến khích hoạt động thu gom tái chế giấy và sớm ban hành Luật tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên, vì đây là hoạt động bảo vệ môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp trồng rừng hoặc đầu tư xây dựng cơ sở rừng nguyên liệu giấy quy mô lớn tại các vùng thích hợp. Tăng cường sử dụng giấy thu hồi. Ưu tiên đầu tư mới thiết bị, công nghệ mới đồng bộ, tiên tiến; sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường…

 Ông Hoàng Trung Sơn – Phó Chủ tịch VPPA trình bày  “Thực trạng ngành công nghiệp giấy Việt Nam”

 

Ông Vũ Ngọc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch -Tổng thư ký VPPA trình bày “Thực trạng và định hướng đầu tư ngành giấy”

Tại diễn đàn, VPPA xác định mục tiêu tổng quát cho ngành đó là: Đầu tư phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng, bảo vệ môi trường để đưa ngành công nghiệp giấy Việt Nam trở thành ngành công nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Đăng lúc 22/03/2019 16:18


Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons