Màu xanh trên vùng chiến trường xưa

Màu xanh trên vùng chiến trường xưa

Nửa thế kỷ đã qua, đồi Sạc Ly- “vùng đất chết” năm nào do mưa bom bão đạn, do chất độc hóa học quân thù rải xuống đã hồi sinh. Cây rừng đã bám rễ, đâm chồi, nảy lộc… trên ngọn đồi khô cằn, hoang hóa. Một màu xanh tươi mát, bất tận ôm trọn vùng đất lửa…

Đồi Sạc Ly đang dần được phủ xanh. Ảnh: TT

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2022), tôi có dịp tham quan và tìm hiểu thêm về Di tích lịch sử Điểm cao 1015 – đồi Sạc Ly (1 trong 2 điểm cao vừa được bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh).

Đồi Sạc Ly nằm tiếp giáp giữa ba huyện: Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của bộ đội ta với quân thù. Mưa bom, bão đạn, chất độc hóa học Mỹ ngụy rải xuống biến nơi đây thành “vùng đất chết”, không một bóng cây. Chiến tranh qua đi, quê hương đất nước hồi sinh từng ngày, màu xanh của rừng, của ruộng vườn đã phủ khắp nơi nơi, nhưng đồi Sạc Ly – chứng tích lịch sử của một thời máu lửa, kiên trung của quân và dân ta vẫn cằn khô, hoang hóa. Nhiệm vụ phủ xanh vùng đất lửa năm nào được đặt ra xuyên suốt trong những năm qua, để rồi đến hôm nay, “vùng đất chết” đã hồi sinh.

Đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dâng hương, dâng hoa và thăm Di tích lịch sử Điểm cao 1015 (đồi Sạc Ly). Ảnh: TT

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Sa Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô thông tin: Việc khôi phục, hồi sinh, phủ xanh khu vực đồi Sạc Ly đã được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam, Công ty TNHH Vạn Lợi Kon Tum quản lý, bảo vệ và thực hiện công tác trồng rừng. Trong đó, tổng diện tích quản lý trên địa phận huyện Đăk Tô là 1.055,5ha.

Cụ thể, tổng diện tích rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô liên doanh, liên kết với Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam trồng thông ba lá là 553ha; Công ty TNHH Vạn Lợi Kon Tum có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quản lý là 502,5ha.

Đồng chí Sa Phương  đánh giá: Chiến tranh đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thổ nhưỡng của khu vực đồi Sạc Ly. Có những thời điểm không còn một cây rừng nào sống sót, đất khô cằn, bạc màu, chỉ toàn cỏ tranh, cỏ mỹ, lau lách… Vậy nên công tác phát triển, phục hồi lại rừng là một cuộc chiến gian nan, dài hạn.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, từ huyện đến cơ sở cùng các doanh nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng để phục hồi, phủ xanh lại đồi Sạc Ly. Qua nhiều năm triển khai, đến nay chiến trường xưa đã có những thay đổi rõ nét.

Tiêu biểu như so với năm 2016, hiện tại độ che phủ rừng trên địa bàn huyện Đăk Tô đã tăng lên 4,18%. Trong đó, việc phát triển cây cao su, cà phê, cây thông,… bao phủ tại nhiều nơi trên diện tích đồi Sạc Ly cũng đã góp phần không nhỏ vào kết quả này.

Đồng thời để phủ xanh đồi Sạc Ly nói riêng, đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn huyện nói chung, huyện Đăk Tô phấn đấu đến 2025 trồng rừng tập trung được 1.520ha và 250.000 cây phân tán trên địa bàn các xã, thị trấn. Việc triển khai chủ trương này (nâng độ che phủ rừng trên 50%), nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết số 07-NQ/ĐH ngày 12-8-2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đăk Tô lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cũng như huyện Đăk Tô, tại địa bàn huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy, công tác trồng rừng và bảo vệ rừng tại khu vực đồi Sạc Ly luôn được chú trọng.

Đối với địa bàn huyện Ngọc Hồi, tổng diện tích khu vực đồi Sạc Ly chiếm khoảng 1.700ha. Đến nay diện tích này gần như đã được phủ kín rừng với khoảng 1.259ha. Đối với huyện Sa Thầy, tổng diện tích khu vực đồi Sạc Ly khoảng hơn 1.500ha; trong đó, khoảng 2/3 diện tích đã được phủ xanh bằng những rừng thông trên 10 năm tuổi, góp phần làm dịu đi đáng kể sự nóng rát hầm hập khi mùa khô đến.

Theo thống kê, Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam là một trong những đơn vị đóng vai trò chủ chốt trong công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng trên khu vực đồi Sạc Ly.

Theo ông Phạm Đinh Thiện Sơn- Phụ trách Phòng Quản lý bảo vệ rừng Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam: Tổng diện tích rừng Công ty được giao trồng, quản lý và bảo vệ tại khu vực đồi Sạc Ly khoảng 2.700ha. Từ năm 2000 đến nay, Công ty đã trồng được hơn 2.400ha rừng (chủ yếu là cây thông, bạch đàn, keo lai). Hiện tại đơn vị còn lại khoảng 300ha đất trống, đồi trọc. Dự kiến trong năm nay, tháng 6 – 8/2022, Công ty sẽ trồng thêm khoảng 200ha rừng, góp phần mở rộng diện tích rừng, phủ xanh chiến trường xưa.

Có thể thấy, “vùng đất chết” Sạc Ly năm nào nay đã có sự đổi thay tích cực. Một màu xanh bạt ngàn, hun hút tầm mắt… đã và đang thay thế hoang hóa, khô cằn ngày nào. Sự sống đã, đang đâm chồi, nảy lộc trên vùng đất lửa năm xưa.

Tất Thành

Nguồn: Báo Kon Tum Điện tử



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons