Nghỉ làm vì dịch COVID-19, có được trả lương không?

Nghỉ làm vì dịch COVID-19, có được trả lương không?

TTO – Một số người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã bị cách ly kịp thời, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để phòng tránh dịch bệnh. Vậy lương của người lao động sẽ được tính như thế nào?

Đó là thắc mắc của người lao động lẫn người sử dụng lao động, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp.

Đi cách ly, vẫn được nhận lương?

Người nghi nhiễm Covid 19 đi cách lý tập trung

Nhân viên hàng không là đối tượng tiếp xúc với các hành khách, đặc biệt là khách quốc tế, trong thời gian dịch COVID-19 nhiều nhất. Với số lượng chuyến bay từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu bị cắt giảm mạnh, nhân sự hàng không cũng lao đao.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Đức Thanh – phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS), cho biết số lượng chuyến bay đang sụt giảm nghiêm trọng nên nhân viên của công ty cũng được bố trí thay đổi lịch làm việc.

Theo ông Thanh, hiện ban giám đốc đến các cấp quản lý đều phải giảm lương từ 20-40%, còn nhân viên cho luân phiên với nhau lịch nghỉ phép và nghỉ bù vào dịp cao điểm phục vụ tết. Hết lịch phép, tới tháng 4 tình hình chưa khả quan sẽ tính toán nhân viên nghỉ không lương.

“Nhân viên tiếp xúc với hành khách dương tính COVID-19 phải lập tức cách ly, công ty vẫn trả lương lao động và chế độ như ngày hoạt động bình thường. Ngoài ra, công đoàn công ty đến thăm hỏi, động viên anh em” – ông Thanh nói.

Tương tự, ông Phan Ngọc Linh – đoàn trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines – cho biết gần 3.200 tiếp viên của hãng vẫn căng mình phục vụ hành khách. Với tình hình khó khăn hiện nay, công ty đã sắp xếp lịch cho nhân viên nghỉ không lương…

Ông Linh cho biết có nhiều trường hợp bố trí khác nhau, đơn cử như với tiếp viên có trình độ tiếng Anh chưa đủ tiêu chuẩn cho nghỉ không lương 2-3 tháng, đối tượng văn phòng làm 1 tháng sẽ nghỉ 5 ngày không lương. Tuy nhiên, cũng có một số tiếp viên chia sẻ khó khăn với công ty là đi bay nhưng không nhận lương trong 2-3 tháng.

Theo ông Linh, lương trung bình tiếp viên cơ hữu 20-25 triệu đồng/tháng, tiếp viên Alsimexco 15-18 triệu đồng/tháng. Nguyên tắc là không sa thải nhân viên.

Đối với các trường hợp tiếp viên, phi công trong thời gian cách ly, ông Linh cho biết vẫn được hưởng 100% chế độ tiền lương gồm tiền lương chức danh, lương chuyến bay… Những mức này sẽ được quy đổi ra tiền lương theo thời gian để chi trả. Đối với thời gian điều trị bệnh sẽ được hưởng chế độ nghỉ ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết điều 2 thông tư 32/2012/TT-BTC quy định: người nào bị áp dụng biện pháp cách ly y tế do nhiễm bệnh sẽ được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cơ sở y tế công lập phát hiện; được cấp không thu tiền nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế; được miễn chi phí di chuyển trong trường hợp thay đổi địa điểm cách ly. Hiện nay, người bị cách ly tại một số khu vực cách ly còn được hỗ trợ ăn uống phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở cách ly.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì việc kinh doanh nên đã quyết định tạm ngưng hoạt động hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên. Song quyền lợi cho người lao động vẫn cần được đảm bảo.

Cụ thể, khoản 3 điều 98 Bộ luật lao động quy định trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc vì lý do kinh tế thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Cùng chia sẻ khó khăn mùa dịch!

Sau thời gian cầm cự thiếu linh kiện, phụ tùng sản xuất ôtô, ông T.V.H. – tổng giám đốc một công ty sản xuất ôtô ở Củ Chi (TP.HCM) – cho biết hết tuần này sẽ cho công nhân khối sản xuất nghỉ làm đến giữa tháng 4-2020. Ông H. cho biết riêng khối văn phòng, giao hàng vẫn làm việc bình thường; công nhân lắp ráp, sản xuất sẽ được nghỉ làm nhưng được hưởng 50-70% lương.

Theo ông H., do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh ở Vũ Hán nên linh kiện, phụ tùng ôtô bị “đứt” nguồn cung khiến sản xuất, lắp ráp khó khăn hơn. “Dù công nhân không làm việc, nhưng chúng tôi vẫn phải trả lương để giữ chân nguồn lao động đặc thù này” – ông H. nói.

Theo một chuyên gia pháp lý, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa, dịch bệnh… mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

Như vậy, trong trường hợp người sử dụng lao động đã thực hiện mọi biện pháp để ứng phó với dịch COVID-19 nhưng vẫn không hiệu quả, doanh nghiệp có thể chấm dứt hợp đồng với người lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định về thời gian báo trước theo quy định.

Đồng ý kiến, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng dịch COVID-19 hiện nay xảy ra trên toàn thế giới, Nhà nước đã áp dụng các biện pháp cấp bách như đóng cửa trường học, hạn chế tụ tập đông người, nhiều doanh nghiệp có khả năng đóng cửa vì dịch bệnh. Trong tình hình khó khăn trên, dù doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục nhưng vẫn buộc thu hẹp sản xuất, kinh doanh ế ẩm, đóng cửa nhà máy thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, luật sư Tuấn cũng lưu ý rằng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là quyền của người sử dụng lao động, nhưng khi chấm dứt phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật để tránh việc ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Tinh thần của pháp luật lao động là bảo vệ quyền và lợi ích các bên trong quan hệ lao động, trong đó chú ý đến quyền và lợi ích của người lao động. Trong tình hình hiện nay, người lao động cũng phải có trách nhiệm san sẻ với người sử dụng lao động trong thời gian nhất định, khi vượt qua giai đoạn này thì mọi việc sẽ ổn định lại.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, hiện nay pháp luật lao động chưa quy định cụ thể về hướng xử lý trong trường hợp người lao động trong thời gian bị cách ly do dịch bệnh. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Lao động – thương binh và xã hội và Bộ Y tế để đề xuất hướng giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động được yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch COVID-19.

Theo đó, những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế.

Ông Phạm Anh Thắng – thạc  sĩ luật kinh tế, trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM, đã trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này.

Ông Phạm Anh Thắng

Thưa ông, trước việc hàng loạt công ty lớn thông báo cắt, giảm tiền lương của người lao động do sản xuất bị thu hẹp hoặc không đảm bảo việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người sử dụng lao động phải thực hiện quy định gì để đảm bảo quyền lợi cho người lao động?

– Trước hết, tôi xin chia sẻ những khó khăn đối với các doanh nghiệp và người lao động đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Có thể nói đây là tình huống bất khả kháng, là sự việc phát sinh không ai mong muốn. Tuy nhiên, pháp luật lao động cũng đã có quy định khá đầy đủ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia quan hệ lao động.

Theo đó, Điều 31 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định khi gặp khó khăn đột xuất do hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh… người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động. Và phải báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc.

Về tiền lương, nếu tiền lương của công việc mới mà thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

* Trường hợp doanh nghiệp khó khăn khiến người lao động phải ngừng việc hoặc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý thế nào, thưa ông?

– Theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật lao động năm 2012, nếu sự cố xảy ra vì các nguyên nhân khách quan, trong đó có dịch bệnh mà người lao động phải ngừng việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Người lao động ngành giấy

Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì phải áp dụng theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 38 của Bộ luật lao động năm 2012. Đó là phải báo trước cho người lao động ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì mức trợ cấp thôi việc cho người lao động là mỗi năm ½ tháng lương đối với người lao động làm việc thường xuyên đủ 12 tháng trở lên.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 liền kề trước khi người lao động thôi việc.

* Nhằm chia sẻ với doanh nghiệp và mong muốn giữ việc làm, nhiều người lao động đã tình nguyện xin giảm lương. Vậy doanh nghiệp và người lao động phải thực hiện thế nào cho đúng luật?

– Quan hệ giao dịch dân sự nói chung và quan hệ lao động nói riêng đều tôn trọng nguyên tắc tự thỏa thuận của các bên trên tinh thần tự nguyện. Trường hợp người lao động có thiện chí chia sẻ, tự nguyện giảm lương để san sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động trong lúc khó khăn là việc làm thể hiện tính nhân văn, đồng thời là cơ hội để duy trì việc làm khi dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi.

Tuy vậy, để đảm bảo tính hợp pháp trong giao kết hợp đồng và đảm bảo nguyên tắc trong quan hệ lao động, giữa người sử dụng lao động và người lao động vẫn phải ký với nhau phụ lục hợp đồng, trong đó nêu rõ mức tiền lương mà người lao động được hưởng và mức này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Theo Tuổi trẻ và VPPA

Đăng lúc 17/03/2020 13:30

Tin liên quan:



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons