Thực thi Bộ Luật Lao động năm 2019 tại Tổng công ty Giấy Việt Nam nhận thức và hành động

Thực thi Bộ Luật Lao động năm 2019 tại Tổng công ty Giấy Việt Nam nhận thức và hành động

Bộ Luật Lao động năm 2019 được ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, như thế đã có khoảng một năm để các cơ quan có thẩm quyền , các chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Bộ Luật Lao động chuẩn bị để Bộ Luật Lao động được thực thi trên thực tế.

Bộ Luật Lao động năm 2019 có bố cục gồm 17 chương, 220 điều. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung 162 điều ở tất cả các chương của Bộ Luật lao động năm 2012, sửa đổi 2 điều của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Quan điểm ban hành Bộ Luật lao động năm 2019 lần này là song song với việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, Bộ Luật đã bổ sung nhiều chế định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động. Đó là quyền tự chủ trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả công cho người lao động, quản lý lao động; bảo đảm sự bình đẳng giữa các loại hình và quy mô của doanh nghiệp.

Tổng công ty Giấy Việt Nam có số lượng lao động tương đối lớn, trải khắp các vùng miền trong cả nước, đồng thời là chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Bộ Luật lao động năm 2019. Vậy để Bộ Luật lao động được thực thi, phù hợp với điều kiện thực tế của Tổng công ty thì chúng ta, từ các cấp quản lý, người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đại diện lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động cần nhận thức và hành động như thế nào trước hàng loạt các vấn đề, các quy định mà Bộ Luật lao động năm 2019 đặt ra.

Thực tế lập pháp ở Việt Nam cho thấy từ việc thông qua luật đến khi đưa vào thực tiễn cuộc sống phải qua khâu trung gian là các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư…) của cơ quan hành pháp và các hoạt động của các cơ quan tư pháp khi có tranh chấp và không thể không nhắc đến ý thức của các chủ thể khi thực hiện pháp luật. Đồng bộ các hoạt động nói trên mới dẫn đến sự đảm bảo cho tính hiệu quả của pháp luật. Bộ Luật lao động năm 2019 cũng không phải là ngoại lệ.

Do đó, để thực thi Bộ Luật lao động năm 2019 đạt hiệu quả cao nhất cần thực hiện những hành động trên cơ sở thống nhất các nhận thức sau:

Thứ nhất, nhất quán về quan điểm và tư tưởng định hướng về chính trị, pháp lý của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…trong thực thi Bộ Luật lao động năm 2019

Thứ hai, các chủ thể của quan hệ lao động gồm (người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đại diện lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động) cần có nhận thức và có hành vi ứng xử phù hợp trong quan hệ lao động. Trước hết cần nhận thức đúng, đầy đủ các quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn mà tập trung là các quy định về quyền và nghĩa vụ chủ thể. Sau đó là có những hành vi ứng xử phù hợp khi tham gia quan hệ lao động. Ngoài ra phát huy tốt năng lực sử dụng các công cụ, thiết chế pháp lý của chủ thể khi tham gia quan hệ lao động. Từ Bộ luật lao động năm 2012 đến Bộ Luật lao động năm 2019 thì các quy định pháp luật lao động đều được xây dựng theo xu hướng: i/Tôn trọng tối đa quyền tự định đoạt của các bên trong quan hệ lao động; ii/Hạn chế tối đa sự can thiệp của nhà nước vào quan hệ lao động; iii/ Tạo lập các thiết chế hỗ trợ quan hệ lao động. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật lao động cho thấy nhiều khi thiếu đi các hướng dẫn có tính chất “cầm tay chỉ việc” thì dường như các chủ thể của quan hệ lao động không tự mình giải quyết được quan hệ của chính mình, trong khi đó pháp luật lại luôn coi trọng quyền tự định đoạt của các bên trong quan hệ lao động. Thiết nghĩ hệ lụy của nhận thức này là do:

Một là, các chủ thể của quan hệ lao động (trong đó có doanh nghiệp) vốn đã có thói quen trong việc thực thi pháp luật trên cơ sở văn bản hướng dẫn, thế nên khi tự mình phải xây dựng các thiết chế nội bộ (nội quy, quy chế, đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước tập thể…) hoặc xử lý các vấn đề phát sinh của quan hệ lao động tại doanh nghiệp theo hướng do các bên “tự định đoạt” là lúng túng và thấy khó khăn. Sâu xa của vấn đề này là do tư tưởng bao cấp, lệ thuộc vào nhà nước vốn như thành một thói quen. Dẫn đến việc đề nghị thêm các văn bản hướng dẫn Bộ Luật lao động, trong khi Bộ Luật lao động lại không có quy định hướng dẫn với nội dung đó. Ví dụ như Nghị định 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động  năm 2012, trong quy định của Bộ Luật lao động năm 2012 lại không quy định Chính phủ hướng dẫn nội dung này. Nhưng trong quá trình thực thi, các doanh nhiệp có nhiều ý kiến về việc không thực hiện được vì không có hướng dẫn nên sau đó Bộ Lao động – thương binh và xã hội theo ủy quyền của Chính phủ đã có văn bản trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và sau đó Quốc hội đã có NQ về việc hướng dẫn bổ sung một số nội dung của Bộ Luật lao động năm 2012.

Hiện tượng này đã phản ánh một mâu thuẫn trong thực thi pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng: Một mặt doanh nghiệp thường có yêu cầu hạn chế can thiệp của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp thông qua quá nhiều văn bản hướng dẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện; mặt khác, khi pháp luật quy định để doanh nghiệp tự làm thì lại thấy khó khăn, thụ động thậm chí lo sợ khi thực hiện quyền tự định đoạt của mình trong phạm vi pháp luật cho phép. Và đương nhiên khi để cơ quan hành pháp hướng dẫn thì không tránh khỏi xu hướng thuận lợi cho họ trong quản lý nhà nước và gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực thi pháp luật.

Tương tự như vậy, người lao động khi quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm thường có tâm lý chông chờ hoặc đổ lỗi cho pháp luật, cho nhà nước mà không thấy trách nhiệm và cơ hội để chính mình sử dụng các thiết chế đã được Bộ luật lao động quy định như: tổ chức đại diện, đối thoại, thương lượng…trong quan hệ với người sử dụng lao động để cùng nhau giải quyết vấn đề mà hai bên quan tâm. Có vẻ như cứ rời xa nhà nước là doanh nghiệp, người lao động thấy khó khăn khi tự mình giải quyết các quan hệ của chính mình. Cái vòng luẩn quẩn này không biết bao giờ mới kết thúc nếu như ý thức pháp luật của doanh nghiệp và người lao động không thay đổi.

Hai là, về phía cơ quan nhà nước, cơ quan tài phán khi thực hiện chức năng thanh tra, giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp luôn dựa vào các quy định pháp luật làm chuẩn mực, theo đó các văn bản nội bộ của doanh nghiệp khi xây dựng cũng phải trên cơ sở quy định của pháp luật mà không được sử dụng làm căn cứ. Thế nên, có một thực tế lý thuyết các bên có quyền thỏa thuận những nội dung pháp luật không cấm, đến khi thực thi vào thực tế lại là các bên có quyền thỏa thuận những nội dung theo quy định của pháp luật, điều đó cũng là lý do để doanh nghiệp e dè, thận trọng với việc thực hiện quyền tự định đoạt của mình trong quan hệ lao động. Từ đó, cho thấy chính các cơ quan hành pháp, tư pháp rất cần phải nhận thức đầy đủ bản chất của quan hệ lao động trong thị trường và sự điều chỉnh của pháp luật về vấn đề này.

Như vậy, để thực thi hiệu quả Bộ Luật lao động năm 2019 thì tất cả các bên liên quan trong quan hệ lao động thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật lao động cần phải có nhận thức đúng, đầy đủ bản chất của quan hệ lao động trong thị trường và những giá trị cốt lõi của các quy định trong Bộ luật lao động năm 2019.

Nội dung và các hoạt động thực thi Bộ Luật lao động năm 2019 từ phía các cơ quan nhà nước:

Kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động.

Các điều khoản của Bộ Luật lao động năm 2019 đã được giao cho Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành gồm có 17 nhóm vấn đề (có 15 nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ và 2 nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Như vậy, sẽ phải ban hành 15 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động (Theo Quyết định số 03/QĐ-LĐTBXH Ban hành chương trình công tác năm 2020 của Bộ Lao động –Thương binh và xã hội ngày 02/01/2020). Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì việc ban hành các văn bản hướng dẫn phải được thực hiện xong trước khi Bộ Luật lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hoạt động này là: Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, bộ luật, nghị quyết được quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8).

Về phía các đơn vị doanh nghiệp -Tổng công ty Giấy Việt Nam:

Cần sự đồng thuận, thống nhất cao quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội đồng thành viên, người sử dụng lao động, sự phối hợp của tổ chức đại diện lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực thi Bộ luật Lao động năm 2019. Xây dựng và triển khai kịp thời các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật gồm có ba công việc sau:

Giao Ban Tổ chức chủ trì, giới thiệu, phổ biến các nội dung mới của Bộ Luật lao động năm 2019 cho người lao động bằng các hình thức phù hợp như: Tọa đàm, phổ biến trực tiếp, viết chuyên đề đăng tải trên cổng thông tin pháp chế của Tổng công ty…Mục đích, nội dung nhằm: Giới thiệu, phổ biến các nội dung mới của Bộ Luật Lao động, tập trung vào những nội dung mới liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động. Đồng thời thực hiện thường xuyên các chuyên mục, tin, bài phổ biến Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành trên trang thông tin điện tử của Tổng công ty do Ban Tuyên giáo – Truyền thông chủ trì.

Cử cán bộ chuyên môn của Tổng công ty tham gia đứng lớp để phổ biến các quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019, tăng cường năng lực, kỹ năng pháp lý cho các đối tượng là cán bộ làm công tác nhân sự, bảo hiểm, quản lý lao động…tại các đơn vị chi nhánh trực thuộc Tổng công ty.

Như đã trình bày, yếu tố đồng thuận và có sự hành xử chuẩn mực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội đồng thành viên, người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đại diện lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong doanh nghiệp là yếu tố quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực thi Bộ luật lao động. Chính vì vậy, việc tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực tiến tới hoàn thiện nhận thức trong thực thi pháp luật lao động trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi trong quan hệ lao động hiện nay và đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập hiện nay là hết sức cần thiết. Đối tượng tác động cần hướng đến là cấp quản lý của các chi nhánh, người được Tổng giám đốc (người sử dụng lao động) ủy quyền ký các hợp đồng lao động, người quản lý lao động, người làm chính sách, chế độ, bảo hiểm, công đoàn…cần được Tổng công ty quan tâm đào tạo, tập huấn, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, từ đó nâng cao năng lực hành động trong thực thi Bộ Luật lao động năm 2019.

Tiếp đó, cần giao cho Ban Tổ chức (Tổ pháp chế) tập trung nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Nội quy lao động và các quy chế, quy định của Tổng công ty Giấy Việt Nam phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh, đúng với quy định của Bộ Luật lao động năm 2019.

Cuối cùng, có thể đánh giá hiệu quả thực thi Bộ luật Lao động năm 2019 cũng cần phải coi trọng đến hoạt động đưa tin, bài, công tác sơ kết, tổng kết thực hiện Bộ Luật lao động. Tổng công ty Giấy Việt Nam đã có trang thông tin điện tử, giao cho Ban Tuyên giáo – Truyền thông quản lý. Nếu thường xuyên thực hiện các chuyên mục và có sự phối kết hợp nhịp nhàng trong việc tiếp nhận tin, bài và đăng tải, đưa tin kịp thời tới người lao động, sẽ góp phần quan trọng trong việc thực thi Bộ luật lao động năm 2019./.

Nguyễn Long – Tổ trưởng Tổ pháp chế – Ban Tổ chức



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons