Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam soi đường cho tổ chức Công đoàn Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam soi đường cho tổ chức Công đoàn Việt Nam

Bác Hồ nói chuyện với công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), ngày 16/3/1961. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang dự hội thảo.

Trong lời phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đây là hoạt động thiết thực, rất có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu; cổ vũ, thúc đẩy các cấp Công đoàn trong cả nước chăm lo, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2020. Hội thảo càng có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh đang diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với niềm tin, khí thế, tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước.

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, 90 năm qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho tổ chức Công đoàn Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Công đoàn đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong mỗi thời kỳ; luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng hành với dân tộc và với Đảng.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động sát cánh, đồng hành với người lao động, doanh nghiệp, với Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, qua đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giảm thiểu thiệt hại, bước đầu kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 và chuyển sang khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của giai cấp Công nhân và dân tộc Việt Nam, là một tấm gương mẫu mực về phong cách sống và làm việc, Người đã dành trọn cả cuộc đời mình phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta tài sản vô giá về tư tưởng, đạo đức và phong cách, trong đó, phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách Hồ Chí Minh phát triển theo logic đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy), đến nói, viết (phong cách diễn đạt) và biểu hiện qua phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt hằng ngày.

Công đoàn là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Trong hơn 90 năm qua, Đảng và Bác Hồ đã đặt nền móng, cơ sở lý luận, lãnh đạo, rèn luyện giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công đoàn phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân, đồng thời phải chú trọng quan điểm lợi ích riêng đi đôi với lợi ích chung theo quan điểm của Đảng; sức mạnh của tổ chức Công đoàn chính là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam hơn 90 năm qua đã thực hiện trọng trách của mình, xứng đáng là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn Việt Nam đang từng bước đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh khẳng định: Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn phải không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Học theo tư duy sáng tạo của Bác lại càng thôi thúc mỗi cán bộ công đoàn nói chung, công đoàn tỉnh Bình Dương nói riêng sự sáng tạo, nghiên cứu, tìm ra những cách làm mới, hiệu quả, ngày càng đáp ứng được đông đảo những mong mỏi, những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động.

Các đại biểu đều cho rằng: Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới từng bước đi, bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam. Người thường xuyên quan tâm đến công tác Công đoàn và phong trào công nhân lao động; dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện và chỉ dẫn về công tác Công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp, lâm trường… trực tiếp Bác Hồ đã ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, trong đó chỉ rõ mục đích của tổ chức Công đoàn: “Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”.

Để xây dựng giai cấp công nhân ngày càng tiến bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam – nơi tập hợp, đoàn kết, giáo dục, giác ngộ; đại diện, bảo vệ lợi quyền cho công nhân; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động; góp phần cùng Chính phủ và Nhân dân xây dựng đất nước…

Theo Đỗ Bình (TTXVN)

Đăng lúc 18/05/2020 11:1


Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons