Đổi mới quy chế quản lý hoạt động lâm nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích

Đổi mới quy chế quản lý hoạt động lâm nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích

Việc đổi mới quy chế quản lý hoạt động lâm nghiệp của Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã góp phần quản lý rừng hiệu quả, giúp doanh nghiệp chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh và mang lại lợi ích cho người lao động.

 

Công đoàn Công Thương Việt Nam, Công đoàn Tổng Công ty Giấy Việt Nam đến thăm hỏi, tặng quà, động viên

gia đình công nhân Xì Thanh Cường (thôn Nắc Con, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang).

Trước đây, so với mặt bằng chung của xã hội, thu nhập bình quân của công nhân lâm nghiệp ở mức khiêm tốn với 4 – 5 triệu đồng/tháng. Nhưng một vài năm trở lại đây, đời sống người lao động được cải thiện hơn. Đó là nhờ Tổng Công ty Giấy Việt Nam thực hiện đổi mới quy trình quy phạm kỹ thuật về trồng rừng (từ cây giống, thâm canh) nâng cao năng suất của rừng. Đồng thời đổi mới công tác quản lý và thực hiện tái cơ cấu tinh gọn bộ máy.

Trong đó, giải pháp của Tổng Công ty Giấy Việt Nam về chuyển đổi quy chế khoán chu kỳ sang khoán công đoạn đã thắt chặt quản lý rừng, tăng năng suất của rừng và hiệu quả sản xuất của người lao động.

Theo đồng chí Nguyễn Xinh – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Giấy Việt Nam: Trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, chính sách khoán là một vấn đề quan trọng. Với mỗi hình thức khoán mà Tổng Công ty áp dụng đều có khó khăn và ưu việt riêng.

Nếu thực hiện khoán chu kỳ như trước đây, người lao động chăm sóc cây tốt, giá trị của rừng tăng thì được hưởng lợi nhiều hơn từ sản phẩm chênh lệch so với định mức công ty giao. Tuy nhiên, cách tổ chức khoán chu kỳ khó thực hiện ở chỗ, thời gian giao rừng kéo dài khiến người lao động dễ có tư tưởng cho rằng đó không còn là đất của công ty nên dễ xảy ra tranh chấp. Và thực hiện khoán chu kỳ, người lao động phải đầu tư công sức, vốn “dài hơi” hơn.

 

Các cán bộ công đoàn bên vạt rừng cho năng suất cao.

Do vậy, Tổng Công ty đã nghiên cứu đổi mới sang hình thức khoán công đoạn để quản lý đất tốt hơn, trồng cây có năng suất hiệu quả hơn, đảm bảo các chế độ chính sách cho người lao động. Sau khi thực hiện xong mỗi công đoạn như cuốc hố, trồng cây, chăm sóc, bảo vệ rừng, người lao động sẽ được công ty nghiệm thu, thanh toán chi phí thực hiện công đoạn.

Quy chế khoán công đoạn bắt đầu được áp dụng từ cuối năm 2018 đến nay. Lợi ích nhận thấy rõ rệt nhất là, đối với các công ty lâm nghiệp, việc chi trả lương, thu nhập, bảo hiểm của người lao động được giải quyết đúng kỳ hạn. Khi quy chế về khoán công đoạn được thông qua, nhiều người lao động đồng tình ủng hộ. Thực hiện khoán công đoạn, công tác quản lý đất rừng chặt hơn. Tình trạng mất rừng, mất đất không còn. Công nhân trồng rừng ngoài thu nhập từ lương còn phát triển kinh tế gia đình như trồng xen canh ở ven chân lô các loại cây ngắn hạn như cam, chè, bưởi… Do vậy, thu nhập của người lao động không chỉ dừng ở mức 4 – 5 triệu đồng/tháng.

 

Anh Đàm Ngọc Tân – Chủ tịch Công đoàn Đội 54 (Công ty lâm nghiệp Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang)

Còn Công ty lâm nghiệp Hàm Yên (tại tỉnh Tuyên Quang) hiện trồng, quản lý 3.118 ha đất, trong đó có 1.700 ha rừng. Công ty sử dụng tổng số 81 lao động. Sau 2 năm thực hiện khoán công đoạn, trước mắt NLĐ có phần lương, đóng bảo hiểm. Đối với doanh nghiệp, khoán công đoạn giúp công ty quản lý rừng chặt chẽ hơn.

Chị Lý Thị Xay – công nhân Công ty lâm nghiệp Vĩnh Hảo (xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) cho biết: Gia đình chị hiện nhận trồng 4 ha rừng. Trước kia thực hiện khoán chu kỳ, gia đình chị phải đầu tư vốn và công sức dài hơi hơn. Việc thực hiện khoán công đoạn như ngày nay có lợi cho gia đình ở chỗ chị được trả lương nhanh chóng hơn.

Anh Đàm Ngọc Tân – Chủ tịch Công đoàn Đội 54, Công ty lâm nghiệp Hàm Yên cho biết: Đội 54 “tập trung” nhiều lao động khó khăn nhất công ty do phần đông là công nhân dân tộc thiểu số. Việc áp dụng khoán công đoạn khiến lao động nghèo có tiền lương để sử dụng luôn, giảm gánh nặng phải vay mượn vốn để trồng và canh tác rừng.

Nhân dịp Tháng Công nhân, Công đoàn đến sẻ chia với người lao động lâm nghiệp.

Theo Cuocsongantoan.vn



Show Buttons
Share On Facebook
Share On Youtube
Hide Buttons